Nhiều công ty nước ngoài rút khỏi Nga

Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 28-2, Tập đoàn dầu khí Shell của Anh thông báo sẽ bán cổ phần tại tất cả các liên doanh với Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga với tổng trị giá khoảng 3 tỷ USD.
Tập đoàn dầu khí BP rút vốn khỏi liên doanh với tập đoàn Rosneft của Nga. Ảnh: Shutterstock
Tập đoàn dầu khí BP rút vốn khỏi liên doanh với tập đoàn Rosneft của Nga. Ảnh: Shutterstock

Thông báo trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết hơn 3 triệu công ty Nga, bao gồm Gazprom, sẽ không thể tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính tại London do các lệnh trừng phạt mới. 

Trong thông báo gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán London, Shell cho biết sẽ bán 27,5% cổ phần trong dự án dầu khí Sakhalin-2, trên đảo Sakhalhin thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Tập đoàn này cũng sẽ chấm dứt 50% lợi ích trong dự án phát triển mỏ dầu Salym ở Tây Siberia và dự án thăm dò Gydan trên bán đảo Gydan thuộc Tây Bắc Siberia.

Shell là một trong 5 công ty năng lượng đã cam kết tài trợ tới 10% trong tổng chi phí ước tính 9,5 tỷ USD của dự án đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc 2" giữa Nga và Đức. Tuy nhiên, công ty cũng đã thông báo ý định chấm dứt tham gia vào dự án này, sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tuần trước tuyên bố đình chỉ cấp phép cho dự án.

Trước đó, ngày 27-2, Tập đoàn dầu khí Anh BP cũng thông báo sẽ rút 19,75% cổ phần khỏi công ty dầu mỏ Rosneft của Nga. Ngoài 2 công ty trên, ngân hàng HSBC và công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới là AerCap đã thông báo rút khỏi Nga trong bối cảnh các nước phương Tây gia tăng trừng phạt với Moskva liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine. Ngân hàng HSBC của Anh thông báo bắt đầu thu hẹp các mối quan hệ với nhiều ngân hàng Nga. Một số công ty nước ngoài tạm dừng hoạt động trong khi những công ty khác cũng lên kế hoạch để rút khỏi Nga. 

Về phía Nga, ngày 28-2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định nước này có đủ năng lực cần thiết để vượt qua những thiệt hại do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt. Tổng thống Vladimir Putin cũng đã ký sắc lệnh về các biện pháp kinh tế đặc biệt ứng phó với những hành động "không thân thiện" của Mỹ và các đồng minh phương Tây đối với nước này.

* Trung Quốc bắt đầu sơ tán công dân khỏi Ukraine


Ngày 1-3, truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này đã bắt đầu sơ tán công dân khỏi Ukraine.

Tờ Global Times dẫn thông tin của Đại sứ quán Trung Quốc tại Kiev cho biết khoảng 600 sinh viên Trung Quốc đã được sơ tán hôm 28-2 khỏi thủ đô Kiev và thành phố cảng Odessa ở miền Nam Ukraine. Một người sơ tán cho biết họ di chuyển bằng xe buýt tới quốc gia láng giềng Moldova.

Dự kiến, hơn 1.000 công dân khác của Trung Quốc sẽ rời Ukraine trong ngày 1-3 để tới Ba Lan và Slovakia, hai quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Nhiều công ty nước ngoài rút khỏi Nga ảnh 1 Người dân chờ tàu tới Ba Lan tại nhà ga thành phố Lviv (Ukraine) ngày 26-2-2022. Ảnh: TTXVN

 

* Nhiều nước trợ giúp người tị nạn từ Ukraine


Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 1-3, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết ông đã nhất trí với các nhà lãnh đạo của Mỹ và EU về việc hỗ trợ cho những người rời khỏi Ukraine do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại quốc gia Đông Âu này.

Cùng ngày, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố nước này sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine. Tổng thống Brazil cho biết, sẽ sớm ban hành một văn bản liên bộ về vấn đề này.

Tin cùng chuyên mục