Cụ thể, cảng cá Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) được đầu tư hơn 43,6 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2017, tuy nhiên chỉ hoạt động được một thời gian ngắn thì bỏ hoang cho đến nay. Nhiều hạng mục của cảng như nhà điều hành, nhà phân loại và bốc xếp hải sản, hệ thống điện… bị hư hỏng, xuống cấp.
Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các bước theo quy định để chuyển đổi đơn vị quản lý từ ban quản lý cảng cá sang doanh nghiệp quản lý theo hình thức đấu giá cho thuê tài sản nhà nước.
Tương tự, nhà phân loại hải sản nằm trong dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Cửa Hội (Nghệ An) được Bộ NN-PTNT phê duyệt đầu tư năm 2015, với tổng mức đầu tư hơn 107 tỷ đồng và được bàn giao, đưa vào sử dụng năm 2019. Tuy nhiên, đến nay nơi này vẫn bỏ hoang vì người dân không đưa hải sản vào phân loại, mua bán. Nguyên nhân của tình trạng này, theo người dân, là do họ đã quen với nơi bốc xếp, phân loại cũ trong cảng.
Mặt khác, trong nhà phân loại mới không gian hẹp, mỗi ô chỉ có 1 bàn inox nằm sát nhau nên rất bất tiện trong tập kết, phân loại hải sản. Đại diện cảng cá Cửa Hội cho biết, sẽ đề xuất Sở NN-PTNT tỉnh nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng.
Công trình hệ thống xử lý nước thải cụm công nghiệp Thạch Kim thuộc Cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đưa vào hoạt động cuối năm 2014 nhằm xử lý nước thải cho các cơ sở sản xuất, chế biến hải sản và kho cấp đông trong khu vực cụm công nghiệp.
Tuy nhiên, công trình chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi bỏ hoang. Hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất, sắt thép, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống đường ống các loại đều bị hư hỏng, gỉ sét.