Xây cống chứa nước
Cuối năm 2015, trên địa bàn quận 6 triển khai thi công hàng loạt hệ thống cống thoát nước với mục tiêu giải quyết tình trạng ngập “kinh niên” ở khu vực này. Tuy nhiên, hơn một năm rưỡi trôi qua, việc thi công quá chậm chạp khiến tình trạng ngập chẳng những không giảm mà còn tồi tệ hơn.
Cụ thể, đường Mai Xuân Thưởng - đoạn từ đường Hậu Giang đến đường Lê Quang Sung - mỗi khi trời mưa, nước ngập rất nhanh nhưng rút rất chậm, vì thế nếu mưa lớn, nước sẽ tràn vào nhà dân. Ghi nhận vào những ngày gần đây, dù trời không mưa nhưng nước vẫn mấp mé miệng nắp cống.
Ông Kỳ Phúc (ngụ đường Mai Xuân Thưởng) bức xúc: “Thi công kiểu gì, đoạn đường có mấy trăm mét mà hơn một năm rưỡi vẫn chưa xong. Giờ cống làm xong, mặt đường cũng đã trải nhựa, nhưng ngập vẫn hoàn ngập, thậm chí ngập còn nặng hơn. Trước đây, khi mưa chỉ ngập khoảng chừng 20cm - 40cm và nước thoát rất nhanh. Giờ thì chẳng những không thoát mà nước từ dưới cống trào ngược lên bốc mùi hôi thối. Từ đầu năm đến giờ, bao nhiêu cơn mưa thì bấy nhiêu trận ngập, tạnh mưa cả 3, 4 giờ sau vẫn không rút nước”.
Ngoài ra, trên địa bàn quận 6 cũng đang triển khai thi công hàng loạt tuyến cống thoát nước ở đường Gò Công, Phạm Đình Hỗ, Phạm Phú Hữu, Vạn Tường…, nhưng tình trạng ngập vẫn tiếp tục xảy ra.
Tình trạng đường được xây dựng cống hoàn chỉnh nhưng nước không thoát được còn xuất hiện ở nhiều nơi. Đơn cử như đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Phạm Văn Quá (quận 12), Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức)… Điều đáng nói, dự án cống chống ngập đường Đỗ Xuân Hợp dài khoảng 5km, do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP làm chủ đầu tư, kinh phí khoảng 137 tỷ đồng, vừa hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2016. Thế nhưng, với 3 cơn mưa đầu mùa vừa qua, nhiều đoạn nước ngập như sông tràn vào nhà dân. Nhất là đoạn từ cầu Nam Lý đến chân cầu cao tốc Long Thành - Dầu Giây, dù không mưa vẫn cứ bị ngập khi triều cường lên cao. Khu vực bị ngập nặng nhất gần trụ sở UBND phường Phước Bình, riêng đoạn đi qua địa bàn phường Phước Long A và Phước Long B, tình trạng đọng nước kéo dài.
Thi công ì ạch
Trước thực trạng ngập kéo dài, UBND quận 6 đã nhiều lần có văn bản gửi chủ đầu tư là Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM yêu cầu khắc phục. Mặc dù chủ đầu tư đã lắp đặt thêm cống thoát để dẫn nước từ vị trí đọng nước về các hố ga hiện hữu hai bên đường, nhưng tình trạng ngập vẫn chưa giảm.
Theo chủ đầu tư, công trình đã thực hiện đúng phương án được phê duyệt, còn nguyên nhân ngập, là do khu vực này thấp hơn so với cao độ mặt đường. Ngoài ra, do cống ở đường Hậu Giang là D1.000mm, quá nhỏ so với cống ở đường Mai Xuân Thưởng nên dẫn đến tình trạng nước thoát không kịp. Một số tuyến đường nằm trong dự án “Cải tạo hệ thống thoát nước kênh Hàng Bàng” có cao độ chỉ dương từ 1,3m - 1,5m, thấp hơn so với các trục đường kết nối xung quanh như Hậu Giang, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khỏe…
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP, hiện trên địa bàn TPHCM có 22 tuyến đường ngập do mưa. Trong số này, có nhiều tuyến ngập trên dưới 2 giờ mới rút, nhiều tuyến ngập do mưa lớn và ngập do rác thải nhiều bít hệ thống thoát nước. Có 60 vị trí kênh rạch và 83 tuyến cống bị lấn chiếm, với chiều dài 13.841km và 97/392 hầm ga.
Vì vậy, chủ đầu tư đã đề xuất UBND TP cho bổ sung đầu tư hạng mục nâng cao độ mặt đường, vỉa hè, cũng như nâng cao hiệu quả của tuyến cống thoát nước gói thầu K. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về hạ tầng cho rằng, tình trạng ngập kéo dài ở khu vực trên là do việc thi công quá chậm chạp, trong đó nhiều tuyến cống đã hoàn thành nhưng chưa được kết nối thông suốt (vì còn nhiều tuyến cống chưa được xây dựng). Mặt khác, nếu hệ thống cống trên địa bàn này hoàn chỉnh mà kênh Hàng Bàng không được nạo vét thì ngập vẫn tái diễn, vì tất cả các hệ thống thoát nước đều đổ vào tuyến kênh này.
Về thực trạng ngập trên đường Đỗ Xuân Hợp, theo UBND quận 9, nguyên nhân ngập là do việc đóng mở van ngăn triều ở cửa đập thoát ra đập Nam Lý (cuối tuyến đường) chưa phù hợp. Khi mưa xuống, cửa van ở đập Nam Lý lại bị đóng kín khiến nước từ đường Đỗ Xuân Hợp không thể thoát ra sông. Ngoài nguyên nhân trên, người dân địa phương lại cho rằng, do các miệng thu nước trên mặt đường Đỗ Xuân Hợp xây dựng không hợp lý, khi mưa nước rút vào cống không kịp nên gây ứ đọng kéo dài.
Việc kết nối giữa tuyến cống từ các hẻm ra đường này chưa đồng bộ nên nước không thể rút ra cống lớn, gây ngập úng. Để giải quyết, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP đã yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương mở van ngăn triều ở cửa đập Nam Lý và tiếp tục theo dõi để khắc phục.