Hầu hết nhập viện trong tình trạng mờ mắt, mệt mỏi, qua xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu cao. Một số nhập viện trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, tổn thương não nặng hai bên… Trong số này có một nữ công nhân (42 tuổi) đã tử vong. Theo một số bệnh nhân, họ bị các triệu chứng như trên sau khi tiếp xúc với cồn công nghiệp được phun vào lưỡi dao của cưa máy.
TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, qua thăm khám và xét nghiệm, trung tâm xác định có 37 công nhân bị nhiễm methanol với các mức độ khác nhau. Trong đó, có 22 người chưa có triệu chứng; 8 người nhiễm mức độ nhẹ; 7 người nhiễm mức độ nặng hoặc nguy kịch. Đáng chú ý, qua xét nghiệm loại cồn mà doanh nghiệp sử dụng trong sản xuất có nồng độ methanol là 77,83%. Các bác sĩ nhận định, đây là vụ ngộ độc cồn công nghiệp methanol qua đường hô hấp và tiếp xúc qua da, có biểu hiện ngộ độc chậm, việc thải độc của bệnh nhân phải mất nhiều ngày.
Theo một số chuyên gia y tế, methanol dễ dàng bay hơi ở nhiệt độ phòng và có thể gây nhiễm độc qua đường hô hấp. Do methanol được cơ thể chuyển hóa và thải trừ chậm nên quá trình gây ngộ độc cũng chậm; khi tiếp xúc mức độ ít nhưng kéo dài hoặc lặp lại sẽ tích lũy dần và gây ngộ độc sau nhiều ngày hoặc tiếp xúc với methanol liều cao một lần nhưng không biết, tới 1-2 ngày sau mới có biểu hiện nhiễm độc (hay gặp với trường hợp uống rượu giả có methanol).