Tuy nhiên, đại diện nhiều cơ sở cho biết, chỉ hoạt động buổi sáng, trong vòng 2-3 giờ là đóng cửa vì nhiều quán ăn, nhà hàng chưa hoạt động trở lại nên nhu cầu tiêu thụ bún, mì… không cao. Nhiều cửa hàng bán lẻ bún, hủ tiếu, tàu hũ… cũng chưa hoạt động, nên người tiêu dùng tìm mua tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.
Cùng ngày, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, sau một thời gian tạm ngưng hoạt động khâu giết mổ để thực hiện cách ly phòng chống dịch Covid-19, đến nay Vissan đã kiểm soát được điểm dịch này và đang dần sản xuất ổn định trở lại. Vissan sẽ tổ chức giết mổ trở lại từ ngày 20-8 với số lượng dự kiến khoảng 200-300 con heo trong 1-2 ngày đầu và tăng dần trong những ngày tiếp theo.
Cũng trong ngày 16-8, ông Tô Văn Liêm, Giám đốc Nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng, thông tin, hiện nhà máy vẫn làm việc nhưng công suất chỉ còn 1/3 so với trước, cụ thể từ 1.200-1.400 con/ngày. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng thịt heo của người dân, nhà máy đã có kế hoạch mở thêm 1 dây chuyền giết mổ thủ công, dự kiến khoảng 7 ngày nữa sẽ đưa vào hoạt động. Trong trường hợp TPHCM vẫn thiếu thịt heo, nhà máy có thể tăng ca sản xuất vào ban ngày, ước đạt được 2.000 con/ngày.
Theo Sở NN-PTNT TPHCM, trung bình mỗi ngày TPHCM tiêu thụ khoảng 4.500 con heo, trong đó có khoảng 3.000 con được giết mổ tại các cơ sở trên địa bàn TPHCM, giảm 50% so với trước dịch Covid-19. Hiện nhiều cơ sở giết mổ của TPHCM phải đóng cửa do có ca F0. Tuy nhiên, các cơ sở này đang khẩn trương xây dựng phương án tái hoạt động, nên việc sản xuất, cung ứng thịt heo tại thành phố sẽ sớm ổn định trong thời gian tới. Bên cạnh việc nhanh chóng mở lại các cơ sở giết mổ, TPHCM còn phối hợp với các tỉnh lân cận - nơi chăn nuôi heo nhiều như Đồng Nai, Long An, Tây Ninh… để cung cấp heo và thịt heo cho thành phố.