Nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ ở Đà Nẵng hoạt động trái phép

Bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng có rất nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ chưa được cấp phép, hoạt động “chui” gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Tháng 10-2023, Đà Nẵng lại phát hiện thêm 1 thẩm mỹ viện "chui" sử dụng người không có trình độ, chứng chỉ hành nghề để can thiệp phẫu thuật làm đẹp cho khách hàng
Tháng 10-2023, Đà Nẵng lại phát hiện thêm 1 thẩm mỹ viện "chui" sử dụng người không có trình độ, chứng chỉ hành nghề để can thiệp phẫu thuật làm đẹp cho khách hàng

Hiện nay, Bộ Y tế và Sở Y tế đã cấp phép cho 30 cơ sở hoạt động trong phạm vi chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn Đà Nẵng, trong đó có 11 bệnh viện, 1 phòng khám đa khoa và 18 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Ngoài ra, có 47 cơ sở khám chữa bệnh trong lĩnh vực da liễu.

Bà Trần Thanh Thủy cho biết, dịch vụ thẩm mỹ không thuộc diện cấp phép có số lượng hoạt động cũng nhiều, đây là hình thức cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động có điều kiện. Trước đây, theo Luật Khám chữa bệnh cũ 2009 cũng như Nghị định 109 và 155 thì cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thuộc một trong các hình thức dịch vụ y tế có điều kiện, không phải cấp phép hoạt động (giống cơ sở khám chữa bệnh) nhưng phải thực hiện hồ sơ tự công bố đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực. Các cơ sở khi hoạt động phải nộp bảng tự công bố về Sở Y tế và đơn vị sẽ thẩm định, trả lời “đủ hay không đủ” điều kiện công bố tự hoạt động. Đến cuối 2023, có 129 cơ sở công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2024, Luật Khám chữa bệnh mới (số 15) có hiệu lực thì trong 16 hình thức khám chữa bệnh đã không còn hình thức cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ liên quan đến các kỹ thuật có trong danh mục tại khoản 12 điều 40 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30-12-2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh như sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người mà làm thay đổi màu sắc, hình dạng, cân nặng, khắc phục khiếm quyết, tái tạo tế bào, bộ phận chức năng cơ thể và thực hiện phun xăm thêu trên da, nhưng có sử dụng thuốc tê dạng tiêm… thì phải tổ chức hoạt động theo hình thức cơ sở khám, chữa bệnh. Điều này có nghĩa là phải được Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động.

“Hiện nay các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động đều thuộc diện không phải thực hiện công bố theo luật cũ trước đây, và không được phép thực hiện các kỹ thuật này. Chính vì thay đổi về quy định nên trong thời gian qua, rất nhiều cơ sở hoạt động chui, hoạt động không phép. Điều này có nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân khi sử dụng dịch vụ”, bà Trần Thanh Thủy nói.

z5268110516752_77641eff0a7f5eee25d1bd66a0de5f7d.jpg
Bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng chia sẻ thông tin

Cũng theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng, trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe, làm đẹp của người dân đang có xu hướng ngày càng gia tăng, ngành y tế cũng đã báo cáo UBND TP Đà Nẵng và phối hợp các sở ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Những năm qua, Sở phối hợp tổ chức tập huấn cho các bệnh viện, địa phương, cơ sở kinh doanh về pháp luật trong việc hành nghề thẩm mỹ trên địa bàn; công khai danh sách các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên trang thông tin của đơn vị.

Thực tế, năm 2023, lực lượng chức năng đã thực hiện thanh tra tại 50 cơ sở, trong đó có 40 cơ sở đang hoạt động thì có đến 22 cơ sở có các dấu hiệu vi phạm quy định. Điều đó cho thấy số lượng cơ sở hoạt động rất lớn, số vi phạm không phải ít.

“Về phía cơ quan quản lý nhà nước, các ngành chức năng đang quyết liệt thanh tra, kiểm tra. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân. Chúng tôi khuyến cáo người dân phải có đầy đủ thông tin, kiến thức về lĩnh vực này để tiếp cận dịch vụ thẩm mỹ an toàn”, bà Trần Thanh Thủy khuyến cáo.

Tin cùng chuyên mục