“Săn” nguồn cung hàng Việt
Phân tích từ nhu cầu thực tế tại thị trường Canada, bà Trần Công Quỳnh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada, cho biết, hiện Thương vụ Việt Nam tại Canada đang làm việc với tổ chức liên minh hiệp hội dệt may, da giày, nội thất và chế biến lương thực thực phẩm của nước này để ghi nhận nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.
Sản phẩm mật ong Việt Nam được ưa chuộng tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ |
Dự kiến sắp tới, đoàn DN Canada sẽ đến Việt Nam để tìm kiếm nguồn cung từ DN Việt. Ông Nguyễn Văn Khang, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico, cũng thông tin, những mặt hàng được đánh giá là tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Mexico là thủy sản (đã qua chế biến), cà phê (84% người dân Mexico dùng cà phê hòa tan hoặc cà phê robusta nếu xuất khẩu thô), hàng tiêu dùng, hàng điện tử, linh kiện và phụ tùng ô tô.
Theo ông Nguyễn Văn Khang, một tập đoàn bán lẻ lớn với 1.500 điểm bán tại Mexico đã cử nhân viên tìm kiếm nguồn cung ứng hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam để thiết lập nguồn hàng cung ứng. Hiện Bộ Công thương đang tích cực kết nối với các DN trong nước để nhanh chóng “lấp đầy” nhu cầu trong chuỗi cung ứng của tập đoàn này. Còn đại diện tham tán thương mại Việt Nam khu vực châu Âu cho biết, hiện cơ quan chức năng đang liên kết với các hiệp hội DN trong nước để tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia tham gia các sự kiện hội chợ triển lãm quốc tế lớn tại khu vực châu Âu. Trong đó phải kể đến Hội chợ Thủy sản toàn cầu (Global Seafood Expo 2023) từ ngày 25 đến 27-4 tại thành phố Barcelona; Hội chợ Rau quả quốc tế (Fruit Attraction 2023) từ ngày 3 đến 5-10 tại thành phố Madrid.
Theo Bộ Công thương, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Đây là sự nỗ lực không nhỏ của hoạt động thương vụ Việt Nam và các DN trong nước. Tuy nhiên, trong năm 2023, dự báo tình hình kinh tế vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương, cho biết, lạm phát toàn cầu tăng cao, nguồn cung năng lượng thiếu hụt, chuỗi cung ứng nguyên liệu đứt gãy tại nhiều quốc gia… dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm, kéo theo đó là đơn hàng mới giảm. Những yếu tố này sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam - vốn đang có độ mở rất lớn. Lãnh đạo Bộ Công thương cũng nhìn nhận, mặc dù xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn (kim ngạch xuất khẩu của khối DN FDI, kể cả dầu thô, chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu). Không dừng lại đó, tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm nông thủy hải sản còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại đã ký kết.
Hỗ trợ doanh nghiệp “bắt tín hiệu” thị trường
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, khẳng định, năm 2023, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan sẽ đồng bộ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN mở rộng thị phần. Cụ thể, hỗ trợ địa phương tham gia hoạt động xúc tiến thương mại với nhiều thị trường trọng điểm; xây dựng chương trình hỗ trợ các trung tâm xúc tiến, hiệp hội DN tại các địa phương nâng cao năng lực xuất nhập khẩu, nhất là xuất nhập khẩu xanh, nhằm đáp ứng xu hướng thương mại xanh trên thị trường thế giới hiện nay. Cũng theo ông Phú, về nội lực sản xuất, Bộ Công thương sẽ hỗ trợ DN chuyển đổi nâng cao năng lực cung ứng thông tin để thuận lợi hóa hoạt động kết nối giữa DN và địa phương. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả chương trình thương hiệu quốc gia, giúp nâng giá trị thương hiệu của DN, từ đó tạo cơ sở để sản phẩm của DN thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hàng hóa giá trị cao trên toàn cầu.
Kỳ vọng vào những hỗ trợ của Bộ Công thương, nhưng lãnh đạo sở công thương nhiều tỉnh, thành cho rằng, Bộ Công thương cần có những cảnh báo sớm nguy cơ và hỗ trợ DN ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của DN. Đặc biệt, tháo gỡ rào cản kỹ thuật để DN thâm nhập các thị trường mới, mở rộng kênh phát triển thương mại thông qua các hội chợ tại nước ngoài…
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Hồng Diên cho rằng, để có thể giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, đồng thời mở rộng thị trường mới, nhất là thị trường châu Á, Tây Á, Nam Á, Mỹ Latinh và châu Phi, DN cần nắm bắt chính xác tín hiệu thị trường. Và để làm được điều này, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu thập thông tin thị trường và cung cấp cho DN, hiệp hội, địa phương. Bộ trưởng Trần Hồng Diên yêu cầu các đơn vị liên quan phải nắm bắt được rào cản kỹ thuật mới mà thị trường xuất khẩu đặt ra, từ đó có đối sách hợp lý để bảo vệ lợi ích quốc gia, DN; ưu tiên thu hút đầu tư DN nước ngoài thuộc các ngành công nghiệp nền tảng công nghệ cao. Mặt khác, cần thu thập thông tin, kết nối thị trường, giúp DN điều chỉnh chiến lược kinh doanh, sản xuất sản phẩm của mình phù hợp với tín hiệu của thị trường.