Đã có nhiều năm kinh nghiệm tại Hàn Quốc, ông Choi One-Hui, Tổng Giám đốc Pioneer Hàn Quốc cho rằng, một doanh nghiệp muốn đầu tư vào một thị trường thì cần có sự tìm hiểu kỹ càng, không chỉ nắm thông tin mà còn để nắm được “khẩu vị” của thị trường đó. Sau đó, các doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể để đầu tư, đặt ra các mốc thời gian để đạt được mục tiêu. Các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thị trường Hàn Quốc cũng không ngoài những quy trình đó.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cẩm Uyên, đại diện Công ty Cổ phần Giải pháp kết nối thương mại điện tử (ENS Corporation) thắc mắc, khi muốn xúc tiến thương mại và đặt văn phòng đại diện của đơn vị tại không gian đổi mới sáng tạo Seoul – Đà Nẵng, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị thủ tục, hồ sơ pháp lý cụ thể ra sao?
“Nếu như đặt trụ sở mà không có pháp nhân thì có dễ dàng liên kết đào tạo, kết nối với đơn vị ở nước ngoài không?”, bà Uyên nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Quang Phước, Chủ tịch Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc, nếu có sự chuẩn bị đầy đủ cả về tài chính, nhân lực thì có thể thành lập pháp nhân. Tuy vậy, nhiều đơn vị mới bắt đầu ra thị trường nước ngoài, nếu mở văn phòng hoặc tuyển nhân sự thì chi phí khá tốn kém và có thể nảy sinh nhiều rủi ro kèm theo.
“Không gian đổi mới sáng tạo Đà Nẵng – Seoul được thành lập là một cơ quan đại diện cho quý đơn vị có thể kinh doanh ở Hàn Quốc dù chưa có pháp nhân. Đây là nơi để quý đơn vị có thể tiếp khách, có nhân viên tại không gian hỗ trợ tiếp khách để đưa những thông tin về quý đơn vị. Sau khi đã có những đơn hàng hay hợp tác thì đơn vị có thể thành lập pháp nhân”, ông Phước nói.
Theo ông Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, kể từ khi được thiết lập từ năm 2023, cả hai không gian này đã đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp giữa hai địa phương. Những thành quả ban đầu đáng chú ý như hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Điển hình, Công ty Cổ phần Công nghệ IRTECH là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tận dụng cơ hội từ không gian này, qua đó tiếp cận trực tiếp với các đối tác và quỹ đầu tư hàng đầu tại Hàn Quốc. Tại đây, công ty cũng được hỗ trợ về cơ sở vật chất và không gian làm việc hiện đại tại Seoul, giúp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được hỗ trợ thuê mặt bằng, thủ tục pháp lý về quá trình hoạt động,… Trung tâm phối hợp cộng đồng khởi nghiệp Hàn Quốc xây dựng chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực khác thông qua học bổng để người được chọn có thể vừa học vừa tham gia nghiên cứu… Tuy nhiên, trước khi đến Hàn Quốc, người tham gia cần trải qua quá trình đào tạo ngôn ngữ, kỹ năng,… do giáo sư, tiến sĩ, cộng đồng khởi nghiệp Seoul huấn luyện bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến.
Ông Dương Hoàng Văn Bản, Phó Giám đốc Sở KH-CN TP Đà Nẵng cho rằng, không gian đổi mới sáng tạo Đà Nẵng - Seoul không chỉ là cầu nối cho các doanh nghiệp Đà Nẵng vươn xa, mà còn là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Sự hiện diện của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đà Nẵng không chỉ góp phần tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng và phong phú, mà còn tăng cường mối quan hệ hợp tác, hữu nghị Đà Nẵng - Seoul.
“Chúng tôi rất kỳ vọng vào việc kết nối giữa hai thành phố với sự hiện diện của các dự án/doanh nghiệp Hàn Quốc tại sự kiện lần này, bởi chúng ta không chỉ chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng, mà còn hướng tới xây dựng những dự án hợp tác cụ thể, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo”, ông Dương Hoàng Văn Bản nói.
Sáng 29-8, vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Đà Nẵng - SURF 2024 diễn ra với sự tham gia của 10 dự án/startup.
Theo đó, sau vòng sơ loại, 10/30 dự án, startup xuất sắc vào vòng chung kết được tham gia chương trình huấn luyện do Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) thực hiện, gồm: CWAssistant - Trợ lý AI tác vụ chuyên sâu; BINKS - Mực thực vật; MetaDAP - Meta Digital Asset Platform; ElevaBot - Robot vệ sinh cầu thang tại nơi công cộng; TripIn - Ứng dụng du lịch và truyền bá văn hóa lịch sử, sử dụng AI&AR…
Đây là những dự án có chất lượng, thuộc các lĩnh vực xu hướng như: trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, công nghệ thực tế ảo, tự động hóa… Sự tham gia của học sinh, sinh viên các trường THCS, THPT và đại học trên địa bàn Đà Nẵng cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ của tinh thần khởi nghiệp đến với các thành tố trong hệ sinh thái.
Cuộc thi sẽ công bố kết quả và trao giải trong phiên khai mạc SURF 2024 vào sáng 30-8 tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.