Nhiều cơ hội lớn trong thúc đẩy cải cách, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế

“Tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 7%, song mục tiêu 8% cho năm 2025 chắc chắn là không dễ dàng và “về đích” với kế hoạch của cả nhiệm kỳ 2021-2025 lại càng là thách thức lớn. Chỉ tiêu đặt ra chỉ có thể trở thành hiện thực khi có bước chuyển mạnh mẽ về tư duy, thể hiện bằng những quy định pháp luật mới, được thực thi nghiêm túc, hiệu quả” - TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương chia sẻ quan điểm với phóng viên Báo SGGP.

w3c-copy2-982.jpg

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, đến thời điểm này, số liệu thống kê cho thấy tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt cao hơn những dự báo trước đó. Ông có bình luận gì?

* TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra là tín hiệu tích cực. Thị trường xuất khẩu hiện tương đối tốt, các đơn hàng đang trở lại với doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đăng ký mới những tháng gần đây đã có sự gia tăng trở lại.

Thế nhưng, nhìn sâu hơn vào những số liệu “nền”, chúng ta sẽ có một bức tranh khác, không phải không có những điều đáng lo âu. Chẳng hạn, về đầu tư trong nước, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm 2024 là gần 2.912.100 tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng trong 11 tháng năm 2024, nếu loại trừ yếu tố lạm phát thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7%). Tất nhiên, trong tháng cuối năm - thời điểm có các ngày nghỉ lễ quan trọng - tiêu dùng trong nước có thể gia tăng, nhưng đầu tư mới giảm thì hệ quả là tăng trưởng năm sau sẽ khó.

* Đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn rất tích cực, thưa ông?

* Đúng, đầu tư nước ngoài vẫn khá sáng. Tuy nhiên trong 11 tháng qua không có nhiều dự án mới quy mô lớn, hay như ta vẫn nói nôm na, là không có dự án mới tỷ đô nào cả. Nói cách khác, tăng trưởng của nền kinh tế vẫn chưa thực sự bền vững, nhưng quan điểm cá nhân tôi vẫn là không nên, không thể quá dựa vào khu vực kinh tế nước ngoài.

* Nhìn tới năm 2025, ông đánh giá tình hình như thế nào?

* Vừa qua, việc có nhiều cá nhân, tổ chức có sai phạm trong quản lý, vận hành nền kinh tế đã để lại “vết thương” tương đối lớn đối với bộ máy, làm hao mòn niềm tin đối với người dân, doanh nghiệp. Tín hiệu tốt là lãnh đạo đã thể hiện một bước chuyển mạnh mẽ về tư duy, song tới đây cần được tiếp tục thể hiện bằng những quy định pháp luật mới, bởi vì “không thể chạy phần mềm quản lý mới trên “nền” hệ điều hành cũ”, tạo nên sự khập khiễng, thiếu đồng bộ, làm khó cho doanh nghiệp. Năm 2025 là một năm có nhiều ngày kỷ niệm quan trọng và là năm tổng kết nhiệm kỳ, chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng dự kiến diễn ra vào quý 1-2026. Để hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ tăng trưởng chắc chắn cần đến những nỗ lực rất lớn, chưa nói đến tình hình thế giới cũng có những biến động mạnh mẽ, sẽ có tác động đến nước ta.

* Ông có thể nói rõ hơn về “bước chuyển mạnh mẽ về tư duy” mà ông đã đề cập?

* Dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đã thể hiện khá rõ cách đánh giá nhìn thẳng vào sự thật, rằng thể chế đang là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Việc lựa chọn những khâu cốt yếu nhất và cũng là những khâu khó khăn nhất, động chạm nhất - là tinh giản bộ máy và xây dựng pháp luật theo phương châm “đúng vai, đúng việc” - đã cho thấy lãnh đạo Đảng và Nhà nước, mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện quyết tâm thay đổi rất mạnh mẽ.

* Với bước chuyển về tư duy đó thì những giải pháp cụ thể, theo ông, cần như thế nào?

* Tôi muốn làm rõ thêm 3 nguyên tắc. Đó là dứt khoát từ bỏ những quy định theo kiểu không quản được thì cấm; luật ban hành ra không chỉ để quản lý, giám sát, mà phải hướng tới khuyến khích, thúc đẩy phát triển, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch nhất có thể; không thực thi pháp luật theo quy trình, mà coi mục tiêu mới là quan trọng nhất. Lựa chọn cách nào đạt hiệu quả tốt nhất để thiết kế và thực thi pháp luật. Mà muốn như thế thì phải tăng cường phân cấp cho địa phương. Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng trước hết là nên dừng ban hành thêm luật mới để tập trung vào rà soát đánh giá hệ thống cũ, tận dụng trí tuệ và kinh nghiệm của đội ngũ chuyên gia độc lập để đảm bảo tính khách quan và hạn chế đến mức tối thiểu rủi ro “cài cắm” lợi ích nhóm.

* Theo ông, để có thể thực hiện thành công những nhiệm vụ “khó khăn và động chạm” kể trên, cần đặc biệt lưu ý điều gì?

* Thẳng thắn mà nói, tôi cho rằng trong quá trình hoạch định chiến lược, cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của cơ quan nghiên cứu, phản biện chính sách. Cùng với đó, phải làm thế nào để bộ máy trong quá trình sắp xếp lại không bị ỳ trệ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân và làm lỡ cơ hội của doanh nghiệp. Chính phủ cần có nhiều hành động thiết thực hơn để lấy lại lòng tin của khu vực tư nhân, tạo môi trường, điều kiện để người tài có động lực làm việc, cống hiến. Tinh giản thì nên làm gọn bộ máy hành chính trước; các đơn vị cung cấp dịch vụ công đang vận hành bình thường thì có thể để sau... Tóm lại, tôi nhìn thấy nhiều cơ hội lớn trong việc thúc đẩy cải cách, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế. Chưa bao giờ các nhà lãnh đạo thể hiện quyết tâm cao đến thế trong việc cải cách bộ máy nhà nước để thúc đẩy đất nước phát triển mạnh mẽ hơn. Có lẽ năm 2025 sẽ vất vả, nhưng vui. Đó cũng là thời gian để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Tin cùng chuyên mục