Tham dự hội nghị, phía Nhật Bản có các ông: Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM; Karasawa Masayuki, Đại diện Thường trú Văn phòng JICA Việt Nam, chi nhánh TPHCM; Matsumoto Nobuyuki, Trưởng Đại diện JETRO tại TPHCM; Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JCCH); UEDA Masaya, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM; Yoshino Masayoshi, Chủ tịch Viện Giáo dục, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản - Châu Á (JAMWEI).
Phía tỉnh Đồng Tháp có Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Văn Thắng; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, cùng các bộ, ban, ngành Trung ương.
Quang cảnh hội nghị |
Tiềm năng của chúng tôi, cơ hội của bạn
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong nhấn mạnh: Với hành trình 15 năm liên tục trong nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Đồng Tháp tự tin là địa phương có môi trường đầu tư lý tưởng để doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên lựa chọn khi quyết định đầu tư tại Việt Nam.
Về tiềm năng, thế mạnh, tỉnh có diện tích hơn 3.380km2, trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, không chỉ gạo, thủy sản có sản lượng xếp trong nhóm đầu cả nước, mà còn nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng, có thể đẩy mạnh xuất khẩu đến Nhật Bản như: Xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, một số cây có múi… Làng hoa Sa Đéc cung cấp trên 12 triệu sản phẩm hoa kiểng mỗi năm.
“Chúng tôi chú trọng kêu gọi hợp tác, đầu tư phát triển nguồn giống cây trồng chất lượng, đa dạng; kêu gọi đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, thúc đẩy chuỗi giá trị ngành nông sản, đặc biệt là các chuỗi giá trị có hàm lượng công nghệ cao, trong các nhóm ngành hàng chủ lực của Đồng Tháp gồm lúa gạo, xoài, cá tra, sen, hoa kiểng”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho hay.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, tỉnh có hơn 1,6 triệu người, với nguồn lao động trẻ dồi dào… Trong đó, hơn 40% đã qua đào tạo cùng với với trên 10.000 lao động đã và đang đi làm việc ở nước ngoài. Nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng ngày càng tốt đang là lợi thế của Đồng Tháp cho doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh hoặc tuyển dụng lao động đi làm việc tại Nhật Bản.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, địa phương đã chuẩn bị những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nhanh chóng triển khai dự án với nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Tân Kiều, Tân Lập, Trường Xuân, Quảng Khánh, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp, với 2 cửa khẩu Quốc tế Thường Phước và Dinh Bà đã được xây dựng hoàn chỉnh, sẵn sàng cho việc triển khai thi công dự án.
Đặc biệt, “Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công, khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đến Đồng Tháp còn khoảng 2 giờ. Hệ thống giao thông thủy, với 2 bến cảng nằm bên bờ sông Tiền giúp vận chuyển hàng hóa thuận tiện ra biển Đông và Campuchia. Cùng với đó là những chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính nhanh chóng, đang mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản”, Bí thư Lê Quốc Phong cho biết.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Ông Otsuka Kellchi, Giám đốc Công ty Taiyo Nouen bày tỏ quan tâm đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp tại Đồng Tháp |
Tại hội nghị, các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đầu tư đến các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, nông nghiệp, năng lượng sạch. Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản, ông Otsuka Kellchi, Giám đốc Công ty Taiyo Nouen bày tỏ quan tâm đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ tại Đồng Tháp. Trong đó, ông rất ấn tượng với ngành hàng xoài Đồng Tháp, đặc biệt là việc xử lý xoài nghịch mùa, cho trái quanh năm. “Hy vọng sẽ hợp tác với tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới”, ông Otsuka Kellchi bày tỏ.
Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM Ono Masuo cho rằng: Tới đây, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy được hoàn thiện sẽ kéo theo cơ hội đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Chế biến nông sản, logistics, du lịch, sẽ được mở rộng.
“Tôi hy vọng rằng, thông qua hội nghị ngày hôm nay, tiềm năng và cơ hội của tỉnh Đồng Tháp sẽ được doanh nghiệp Nhật Bản biết đến rộng rãi hơn, từ đó góp phần tăng cường mối quan hệ kinh tế và giao lưu giữa hai bên Nhật Bản và Đồng Tháp”, ông Ono Masuo kỳ vọng.
Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM Ono Masuo đề nghị xem xét, xây dựng Tổ công tác Nhật Bản – Japan Desk đặt tại UBND tỉnh Đồng Tháp |
Tuy nhiên, “để có thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị tỉnh Đồng Tháp xem xét, xây dựng Tổ công tác Nhật Bản – Japan Desk đặt tại UBND tỉnh. Qua đó, không chỉ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản cân nhắc ý định đầu tư vào Đồng Tháp, không chỉ có thể liên hệ đến một đầu mối thống nhất mà còn giúp cho UBND tỉnh Đồng Tháp nắm bắt thông tin một cách toàn diện, không bị phân tán rời rạc về tình hình tìm hiểu đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản khi qua từng sở, ban, ngành tỉnh”, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM Ono Masuo đề nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết: Tỉnh luôn xem thành công từ các dự án đầu tư của các bạn cũng chính là thành công của Đồng Tháp. UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương Đồng Tháp sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, nhất quán trong chính sách đầu tư, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư khi đến đầu tư tại Đồng Tháp; giải quyết nhanh các thủ tục hành chính; đảm bảo hạ tầng và cung cấp dịch vụ thiết yếu; tăng cường đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc nhằm giúp dự án được triển khai đúng tiến độ, mang lại hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tin rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới sẽ hiệu quả |
“Với sự quyết tâm và tinh thần “nói đi đôi với làm”, sự đồng lòng của lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của Trung ương, cùng với cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch; sự hưởng ứng mạnh mẽ của các nhà đầu tư, nhất định đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới sẽ hiệu quả”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định.