Với lợi thế là cửa ngõ nối liền vùng Đông Nam bộ với vùng ĐBSCL, nhất là có chung đường ranh giới với TPHCM (qua các quốc lộ 1, quốc lộ 50, quốc lộ 62, quốc lộ N1, quốc lộ N2), Long An phấn đấu trở thành trung tâm phát triển kinh tế sôi động, bền vững của vùng ĐBSCL dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và khoa học - công nghệ…
Ông Trương Văn Liếp, Quyền Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Long An, cho biết, thời gian qua, tỉnh Long An đã đạt nhiều kết quả nổi bật về KT-XH. Trong đó, quy mô kinh tế đứng đầu vùng ĐBSCL, chiếm trên 13% tổng quy mô của vùng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp… Để tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, tỉnh tập trung hoàn thiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm và đầu tư đồng bộ các dự án giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL với TPHCM và các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ. Đồng thời, kết nối thông suốt giữa các địa phương trong tỉnh để doanh nghiệp đến đầu tư tại Long An dễ dàng kết nối và thuận lợi giao thương, xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian, chi phí, tăng sức cạnh tranh.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, hoạt động tại Khu công nghiệp cầu cảng Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An |
Với mục tiêu trở thành tỉnh phát triển công nghiệp của khu vực phía Nam, Long An đã quy hoạch phát triển công nghiệp với diện tích 15.000ha, gồm 37 KCN và 59 CCN được phê duyệt. Hiện KCN-CCN của tỉnh tập trung chủ yếu tại các huyện tiếp giáp TPHCM và đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, sẵn sàng chào đón doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Để thu hút đầu tư, ngoài việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thân thiện, hiệu quả và an toàn, Long An đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách hành chính. Trong nhiều năm liền, Long An đứng trong nhóm các tỉnh đi đầu cả nước về nỗ lực cải cách hành chính, xây dựng niềm tin với doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi, thường xuyên đối thoại, đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình tìm hiểu, triển khai dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Thời gian tới, Long An cam kết tập trung phát triển xã hội gắn liền với phát triển kinh tế, nhất là các lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, y tế, môi trường. Long An cũng ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo, tự động hóa, sản xuất linh kiện - thiết bị điện tử và phần mềm, vi mạch, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; phát triển đô thị dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ cảng biển, logistics, thúc đẩy kinh tế thương mại; nông nghiệp sinh thái hữu cơ, mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái; năng lượng tái tạo chuẩn quốc tế. Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để cung ứng nguồn lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.