Đoạn clip này đăng trên một kênh YouTube hiển thị tiếng Việt với hơn 800.000 người đăng ký theo dõi. Riêng clip hướng dẫn sử dụng ma túy thì đã được đăng tải hơn một tháng trước, thu hút hơn 715.000 lượt xem, 9.900 lượt thích. Đoạn clip còn gắn thêm quảng cáo và thu hút hàng trăm ngàn lượt xem.
Theo dõi đoạn clip này, thực tế chỉ là một trò đùa để “câu view”. Nhân vật trong clip đã sử dụng bột ngọt, bột mì (rất giống với ma túy) để “tự chế” ra “ma túy” và diễn như thật cảnh sử dụng, hướng dẫn cụ thể cách sử dụng. Trong quá trình quay cảnh sử dụng “ma túy”, người này còn diễn cảnh “phê” cùng nhạc sôi động theo phong cách của Khá Bảnh. Chủ nhân của clip trên là một YouTuber lấy tên tài khoản P.HD, và tên thật là B.V.C. (16 tuổi, quê Hải Dương).
Không chỉ riêng clip này, trước đó, C. còn thực hiện nhiều clip chỉ cách bỏ mắm tôm, tương ớt vào vape để hút. Vape là một thiết bị điện tử có hệ thống vi mạch kích một dòng điện lớn để đốt tinh dầu từ dạng nước lỏng sang dạng hơi nước, có thể được coi là một công cụ để thay thế cho thuốc lá truyền thống. Trong một đoạn clip ngắn khác, người này còn cho dầu gió vào vape rồi hít, sau đó dốc lọ dầu gió vào miệng rồi uống nước mát và nuốt xuống.
C. cũng đã làm khá nhiều clip vô bổ, ảnh hưởng xấu đến trẻ vị thành niên và thiếu tính giáo dục như là thử ăn trộm tiền, thử thách chơi ma túy trước mặt mẹ... Phần lớn các clip đều có hàng chục ngàn lượt xem trở lên. Dù chưa biết tác hại của việc “diễn”, hướng dẫn này như thế nào, nhưng nếu không may các trẻ vị thành niên xem được và làm theo hướng dẫn của clip thì rất nguy hiểm.
Việc chúng được hiển thị ở phần gợi ý thịnh hành “đầu độc” trẻ nhỏ khiến nhiều người bức xúc, đặc biệt là các phụ huynh. Anh Hoàng Văn Tâm (quận Tân Phú) cho biết: “Tôi có xem qua clip này trong điện thoại của con trai. Tôi thật sự lo lắng cho con khi phải đối diện với môi trường giải trí Internet đầy độc hại như hiện nay, bởi không phải lúc nào mình cũng kiểm soát được nó xem gì, nhất là khi con đang tuổi dậy thì”. Còn chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (quận Thủ Đức) nói: “Hiện tại, con tôi xem clip trên YouTube nhiều khi hơn 2 tiếng đồng hồ/ngày để giải trí. Tôi hay nhắc nhở con về các clip không được xem, nhưng quả là rất khó để kiểm soát nổi khi vô số clip bẩn vẫn tồn tại mà không có biện pháp xử lý nào hiệu quả”.
Sau khi đoạn video hướng dẫn sử dụng “ma túy” được đăng tải, một nhóm cộng đồng làm nội dung YouTube đã report để xử lý clip xấu. Clip này đã bị xóa theo chính sách của YouTube. Trước kênh P.HD, kênh của B.G. cũng đăng video dạng MV ca nhạc quay lại cảnh một nhóm người sử dụng ma túy và bị tháo xuống.
Các kênh “giang hồ mạng” có nội dung bạo lực, cổ súy sử dụng chất kích thích cũng bị sờ gáy, xóa bỏ. Tuy nhiên, vẫn có không ít clip tiêu cực, nội dung vô bổ, thiếu tính giáo dục được đăng tải, vẫn nhận được rất nhiều lượt xem và không bị gỡ, vẫn được gắn quảng cáo từ YouTube.
Hiểm họa đầu độc giới trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên, ngày càng cao khi những clip này vẫn ngang nhiên tồn tại trên YouTube, cho dù đội ngũ quản lý kênh này từng nhiều lần thanh lọc nội dung bẩn. Thực trạng này cần được xử lý kiên quyết nhằm khắc phục triệt để.