Theo báo cáo, tại TPHCM hiện có 1.635 chung cư, gồm 744 chung cư xây trước năm 1994 và 891 chung cư xây từ năm 1994 đến nay. Trong đó có 1.059 chung cư phải thành lập ban quản trị nhưng đến nay mới chỉ có 862 chung cư có ban quản trị. Trong số các chung cư chưa có ban quản trị, có 41 chung cư đã tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng chưa thành lập được ban quản trị và 197 chung cư chưa thành lập được ban quản trị.
Nguyên nhân do các chung cư này là chung cư cũ, thấp tầng, số lượng căn hộ ít nên chỉ hoạt động theo mô hình tự quản. Số khác do chủ đầu tư chậm tổ chức hoặc tổ chức hội nghị lần đầu nhưng không thành công.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường phát biểu với đoàn giám sát |
Về kinh phí bảo trì, hiện đã có 401 nhà chung cư đã bàn giao kinh phí bảo trì và 227 chung cư chưa bàn giao kinh phí. Trong số đó, có 43 chung cư đang tranh chấp kinh phí bảo trì vì chủ đầu tư cố tình không bàn giao, chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ hoặc cố tình né tránh, chiếm dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, không bàn giao cho ban quản trị theo quy định. Có chung cư, chủ đầu tư và ban quản trị chưa thống nhất với nhau về số liệu kinh phí bảo trì hoặc có tranh chấp về quyền sở hữu trong nhà chung cư dẫn đến việc không thống nhất được số liệu kinh phí bảo trì cần phải bàn giao.
UBND TPHCM nhận định việc quản lý, vận hành chung cư trên địa bàn TP còn xảy ra nhiều tranh chấp do quy định pháp luật chưa quy định việc xác định rõ phần diện tích sử dụng chung, sở hữu chung trong hồ sơ thiết kế, phê duyệt dự án. Mặt khác, việc xử phạt các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe và một số hành vi vi phạm chưa được quy định (chủ sở hữu không đóng kinh phí bảo trì, không đóng phí quản lý vận hành...).
Về công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của TPHCM cho thấy, nguồn vốn ngân sách phát triển nhà ở xã hội dự kiến chiếm khoảng 10% tổng nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội của thành phố, tương đương khoảng 3.770 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025 và khoảng 8.640 tỷ đồng giai đoạn 2026-2030 nhằm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê, cho thuê mua (bao gồm cả nhà ở xã hội cho công nhân). Các chương trình mục tiêu như cải tạo chung cư cũ, di dời nhà ở trên và ven kênh rạch thì triển khai thực hiện trên cơ sở nguồn vốn ngân sách được phê duyệt riêng cho từng chương trình, được thành phố phê duyệt trong Chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030.
Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư xây dựng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục chấp thuận đầu tư, thu hồi đất, giao đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư do việc áp dụng các quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ.
Từ đó, UBND TPHCM kiến nghị đoàn giám sát một số nội dung nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư.