Sau khi nghe Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin về 29 chính sách mới, tập trung trong 5 nhóm lĩnh vực của dự thảo luật, đại diện các đối tác phát triển đặc biệt đánh giá cao nhóm chính sách liên quan đến các dự án sử dụng vốn viện trợ chính thức (ODA), coi đây là những bước cải thiện chính sách rất có ý nghĩa.
Đại diện ADB, bà Susan Lim nhận định, có 3 thay đổi lớn nhất trong dự thảo luật là đơn giản hóa thủ tục; trao quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương trong phê duyệt và thực hiện các dự án; tách bồi thường, giải phóng mặt bằng... thành dự án độc lập.
Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, với loại dự án khẩn cấp (chẳng hạn để ứng phó thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu) thì cần có quy định cụ thể hơn, để dòng vốn ODA “chảy” nhanh hơn, được sử dụng hiệu quả hơn.
Cũng ghi nhận những sửa đổi theo chiều hướng tích cực của dự thảo luật, bà Kathleen Whimp (WB) nhận xét, đầu tư công có khối lượng ngày càng lớn. Một số “siêu dự án” có thể có thời gian thực hiện kéo dài 3 kế hoạch trung hạn; việc chuẩn bị mất rất nhiều chi phí.
“Cần có điều khoản riêng về tách riêng và phê duyệt dự án chuẩn bị cho dự án lớn; tổ chức đấu thầu một lần với dự án khả thi và tiền khả thi”, chuyên gia WB đề xuất.
Bà Kathleen Whimp còn kiến nghị cho phép các đơn vị con của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đứng ra vay vốn. Vốn ODA thường là hỗn hợp, bao gồm cả viện trợ không hoàn lại, lẫn cho vay ưu đãi… mà cho DNNN vay thì xử lý như thế nào, nếu không có quy định rõ ràng sẽ khó khăn khi thực hiện.
Ông Daniel Plankermann, Giám đốc Ngân hàng tái thiết Đức tại Việt Nam, nhấn mạnh, có luật tốt chưa đủ, cần sớm có các văn bản hướng dẫn thi hành luật như nghị định, thông tư. Các quy định pháp luật khác cũng cần được rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo tính đồng bộ.
Đặc biệt, cần lưu ý đến các quy định chuyển tiếp, tránh tạo ra rủi ro do thay đổi chính sách. “Làm sao để quá trình chuyển tiếp được đơn giản hóa, các dự án đang chuẩn bị cũng được hưởng chính sách tốt hơn”, ông nói.
Hồi đáp ý kiến này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, hồ sơ trình luật đã kèm theo dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành. Văn bản hướng dẫn sẽ được hoàn thiện thêm khi luật được Quốc hội thông qua theo hướng các dự án đang trong quá trình chuẩn bị (với một số điều kiện được xác định rõ) cũng sẽ được hưởng lợi.