Nhiều chính sách khuyến khích người dân phân loại rác thải nguy hại

UBND TPHCM vừa ban hành quyết định phân loại chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định Luật Bảo vệ môi trường và chính sách khuyến khích phân loại riêng chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TPHCM.

Theo quyết định, chất thải nguy hại (CTNH) hộ gia đình, cá nhân gồm: Bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, axit thải, dung môi thải, kiềm thải, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại, bình gas mini, sơn, mực, chất kết dính bóng đèn huỳnh quang thải; thủy tinh hoạt tính thải; nhiệt kế chứa thủy ngân thải, các loại pin, ắc quy thải…

Khi phân loại CTNH, người dân phải chứa trong vật đựng, túi bao bì và không để chung với các loại chất thải sinh hoạt khác. Sau khi thu gom CTNH, người dân chuyển cho các đơn vị xử lý hoặc đem đến các điểm thu gom. Với loại chất thải này, người dân không phải trả kinh phí thu gom vận chuyển, xử lý khi đã chuyển đến các điểm thu gom.

Để khuyến khích người dân thực hiện phân loại CTNH, TPHCM sẽ xem xét như một trong các tiêu chí để xét đánh giá, công nhận gia đình văn hóa tại địa phương. Tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương, UBND các cấp vận động, kêu gọi sự hỗ trợ từ xã hội hóa để tặng quà khi hộ gia đình, cá nhân đem CTNH đến các điểm thu gom...

can-rac.jpg
Đơn vị thu gom rác tại huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: Thanh Hiền

Đối với việc quản lý phân loại rác thải sinh hoạt còn lại, quyết định nêu: căn cứ lộ trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn do thành phố ban hành, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát và căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định các nhóm đối tượng phân loại rác thành 3 nhóm theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Quy định này có hiệu lực từ 1-1-2025, nhưng trên thực tế, TPHCM vẫn chưa thực hiện vì còn nhiều vướng mắc.

Tin cùng chuyên mục