Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia trong ngành khi tham gia hội thảo “Chuyển đổi số trong Ngành hạ tầng kỹ thuật” do Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định (thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn – Sawaco) tổ chức ngày 20-4 tại TPHCM.
Hội thảo thu hút nhiều doanh nghiệp chia sẻ, thảo luận về giai đoạn chuyển mình cũng như những thách thức mà ngành hạ tầng kỹ thuật phải vượt qua để tiến tới chuyển đổi số.
Đại diện các cơ quan quản lý cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cấp nước, hạ tầng cũng đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan giai đoạn chuyển mình và những thách thức mà ngành hạ tầng kỹ thuật phải vượt qua để tiến tới chuyển đổi số.
Hội thảo đã mở ra diễn đàn để các chuyên gia và doanh nghiệp gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp các khúc mắc cũng như giới thiệu các mô hình thành công trong quá trình chuyển đổi số tại đơn vị.
Năm 2020, Việt Nam bắt đầu khởi động quá trình chuyển đổi số quốc gia với ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Với nền tảng đó, năm 2021 là thời điểm vàng của quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp và các ngành nghề.
Bên cạnh sự phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, chuyển đổi số thời gian qua đã xuất hiện nhiều trong những công việc đơn giản như: sử dụng trợ lý ảo giúp bộ phận chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp xử lý câu hỏi lặp đi lặp lại hay thu thập dữ liệu; thư ký ảo cung cấp thông tin về dự báo ngập mặn cho người nông dân qua điện thoại; thiết bị phân tích mực nước lên xuống để giúp nhà khoa học đánh giá tình hình nguồn nước các mùa trong năm.
Trong ngành nước, hoạt động chuyển đổi số đã diễn ra từ sớm như ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) để quản lý cấp nước, quản lý chặt chẽ hơn dữ liệu cấp nước; giúp các công ty cấp nước truy cập dữ liệu dễ dàng và cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng tốt hơn, hướng đến mục tiêu cấp nước sạch cho 100% cư dân đô thị ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Đắng, Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định, cho rằng, chuyển đổi số phải bắt đầu từ sự sẵn sàng của lãnh đạo đơn vị. Sự sẵn sàng còn phải đến từ cả tổ chức, đồng nghiệp, người lao động. Doanh nghiệp phải đào tạo và phát triển nhân sự có tri thức phù hợp cho quá trình chuyển đổi. Quá trình đó sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tối đa nguồn lực, tối ưu hóa quy trình và năng lực sản xuất, giúp các công ty có năng lực cạnh tranh tốt hơn trên thị trường. Với ngành nước, chuyển đổi số là quá trình không thể đảo ngược để có thể đem lại dịch vụ cấp nước tối ưu, phục vụ người dân thành phố tốt hơn bao giờ hết nhờ quá trình số hóa và phân tích dữ liệu nhanh chóng.
Phát biểu tại hội thảo, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám Đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM nhấn mạnh, TPHCM đã ban hành mục tiêu từ nay đến năm 2025 TP sẽ chuyển đổi số toàn diện, trong đó kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 25% tổng thu nhập của địa phương nên việc chuyển đổi số rất quan trọng đối với hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng đơn vị và doanh nghiệp.
Theo bà Trung Trinh, đây là vấn đề mới và TP cần nhiều đề án để thực hiện, nhất là cần tập trung tuyên truyền kiến thức rộng rãi về chuyển đổi sao cho hiệu quả đến các đơn vị. Hiện Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình UBND TPHCM một số chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, trong đó đề xuất cho doanh nghiệp vay từ Quỹ kích cầu để thực hiện chuyển đổi số. Ngoài ra, TP cũng đẩy mạnh sử dụng Kho dữ liệu dùng chung để chia sẻ dữ liệu với các ngành, lĩnh vực liên quan đến hạ tầng, điện lực, cấp nước để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số hiệu quả hơn.