Trong đó, đáng chú ý là tiền trực cho cán bộ, nhân viên y tế năm 2012 là 18.000 đồng/ngày và 25.000 đồng/ngày khi mức lương cơ sở là 830.000 đồng/tháng. Hiện nay, mức lương cơ sở đã được điều chỉnh lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, nhưng các chế độ trên vẫn chưa có sự điều chỉnh tương ứng.
Cả nước hiện có khoảng 500.000 đoàn viên ngành y tế, chỉ chiếm 1/24 số công đoàn viên cả nước, nhưng họ là những công đoàn viên đặc biệt vì mang trọng trách chăm sóc sức khỏe cho hơn 100 triệu dân. Từ cuối năm 2019 khi dịch Covid-19 bùng phát, cán bộ, nhân viên ngành y tế đã phải đảm đương khối lượng công việc gấp 3-5 lần bình thường, như: theo dõi, điều trị cho trên 11,5 triệu ca mắc bệnh, trong đó có 3%-5% ca nặng; tiêm trên 260 triệu mũi vaccine Covid-19 và thực hiện test xét nghiệm Covid-19 cho hàng trăm triệu lượt người. Sau đại dịch Covid-19 là sự khủng hoảng về tinh thần với nhiều cán bộ, nhân viên y tế liên quan đến pháp lý; đời sống khó khăn, thu nhập giảm với các đơn vị tự chủ vì giá viện phí hiện nay vẫn có 4/7 yếu tố từ 20 năm chưa thay đổi, thu không đủ bù chi. “Đây chính là giọt nước tràn ly làm cho làn sóng hơn 10.000 cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc sang khu vực tư nhân”, bà Phạm Thanh Bình chia sẻ và nhấn mạnh, thời gian tới, Công đoàn Y tế Việt Nam và các cấp công đoàn sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ Y tế, đoàn viên, lãnh đạo các đơn vị để tham mưu, tham gia quản lý, giám sát các chế độ, chính sách; động viên chăm lo và bảo vệ đoàn viên để cán bộ, nhân viên y tế tận tâm cống hiến với nghề.