Nhiều Chính phủ họp khẩn sau khi ông Donald Trump công bố biểu thuế

Lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đã có những phản ứng bước đầu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố biểu thuế cơ sở và thuế đối ứng mới vào rạng sáng nay theo giờ Việt Nam.

Chính phủ Hàn Quốc họp khẩn sáng 3-4. Ảnh: Korea Joongang Daily
Chính phủ Hàn Quốc họp khẩn sáng 3-4. Ảnh: Korea Joongang Daily

Ngay đầu sáng ngày 3-4, Chính phủ Hàn Quốc tổ chức cuộc họp khẩn để thảo luận chiến lược ứng phó với kế hoạch áp thuế đối ứng 25% của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Hãng tin Yonhap cho biết, đây là cuộc họp khẩn của lực lượng đặc nhiệm chiến lược kinh tế và an ninh, với sự tham gia của Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Choi Sang Mok; Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Ahn Duk Geun; cùng các quan chức cấp cao khác của Chính phủ.

Phát biểu tại cuộc họp, quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck Soo đã chỉ thị Chính phủ phải hành động quyết liệt để đáp trả mức thuế đối ứng của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc. Do tình hình cấp bách, Chính phủ Hàn Quốc phải huy động mọi khả năng để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng thuế quan hiện nay. Ngoài ra, ông Han cũng chỉ đạo Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Ahn Duk Geun phân tích kỹ lưỡng các chi tiết và đánh giá tác động của thuế Mỹ đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc, đồng thời, tích cực đàm phán với Chính phủ Mỹ nhằm giảm thiểu thiệt hại cho Hàn Quốc.

Sáng cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố “kiên quyết phản đối” các mức thuế mới của Mỹ áp đặt toàn diện lên hàng xuất khẩu của nước này, đồng thời cam kết sẽ có “các biện pháp đối phó để bảo vệ quyền và lợi ích” của mình.

Bộ Thương mại Trung Quốc tại Bắc Kinh kêu gọi Mỹ lập tức hủy bỏ các biện pháp thuế đơn phương và giải quyết thỏa đáng những bất đồng với các đối tác thương mại thông qua đối thoại bình đẳng.

Screenshot (198).png
Tổng thống Trump quyết định “thuế chiết khẩu đối ứng” áp dụng với hàng hóa nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ảnh: BLOOMBERG

Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết, Thái Lan có một “kế hoạch mạnh mẽ” để đối phó với mức thuế thương mại hà khắc do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt và hy vọng có thể đàm phán để giảm thuế. Thủ tướng Shinawatra cho biết, Chính phủ Thái Lan sẽ thực hiện các biện pháp để giảm thiểu tác động của mức thuế 36% mà Washington vừa công bố đối với nước này, trong khuôn khổ các biện pháp áp thuế toàn diện đã khiến thị trường toàn cầu chao đảo.

Còn Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tuyên bố, Mexico sẽ không áp dụng biện pháp trả đũa trực tiếp chính sách thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ 2 Mỹ Latinh. Thay vào đó, Mexico sẽ theo đuổi mục tiêu củng cố nền kinh tế thông qua chương trình phát triển công nghiệp. Đây là một chương trình toàn diện, bao gồm các dự án về cảng biển, hệ thống tàu hỏa và các chương trình thúc đẩy sản xuất chế tạo.

Ngoài ra, Chính phủ Mexico cũng đang nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế, bao gồm kinh nghiệm của Brazil dưới thời Tổng thống Dilma Rousseff hồi năm 2012. Khi đó, Brazil đã tăng mạnh 75% sản lượng ô tô trong giai đoạn 2012-2017, tăng hiệu suất của xe và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển trong ngành công nghiệp ô tô.

brasil.jpg
Ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo xe hơi của Brazil. Ảnh: The Rio Times

Đề cập tới cuộc điện đàm với Thủ tướng Canada Mark Carney, nữ Tổng thống Mexico cho biết, hai bên đã nhất trí củng cố Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) và duy trì thỏa thuận thương mại giữa hai nước.

Bà Sheinbaum nêu bật tầm quan trọng của USMCA, vốn được phát triển từ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trước đây, khẳng định hiệp định này mang lại những điều kiện tốt hơn cho Mexico.

Screenshot 2025-04-03 at 09.52.53.png
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tuyên bố củng cố nền kinh tế thông qua chương trình phát triển công nghiệp sản xuất và chế tạo. Ảnh : Mexico News Daily

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp Nội các để thảo luận về các phản ứng của Canada trước các mức thuế mới của Mỹ, Thủ tướng Canada Mark Carney tuyên bố, nước này sẽ thực hiện những biện pháp ứng phó một cách mạnh mẽ và có chủ đích.

Nhà lãnh đạo Canada nêu rõ, Chính phủ nước này sẽ phản đối thuế của Mỹ đối với ôtô nhập khẩu, đồng thời hỗ trợ các lao động bị ảnh hưởng. Ông Carney cũng phản đối thuế đối ứng của Mỹ, cho rằng chính sách này sẽ làm “thay đổi cơ bản hệ thống thương mại toàn cầu”.

Canada và Mexico không nằm trong danh sách mục tiêu bị Mỹ áp thuế đối ứng lần này, do đã bị áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ trước đó.

Cùng ngày, Hạ viện Brazil đã thông qua dự luật cho phép Chính quyền của Tổng thống Lula da Silva được đưa ra các biện pháp trả đũa đối với quyết định của Tổng thống Trump áp tối thiểu 10% thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Brazil.

Trước đó, hôm 1-4, Thượng viện Brazil cũng đã thông qua dự luật có tên gọi “Luật đối đẳng kinh tế” này. Song song với động thái trên, ngay sau khi Tổng thống Trump công bố mức thuế 10% đối với hàng hóa của Brazil, Chính phủ Brazil đã ra thông cáo nêu rõ, đang xem xét mọi hành động có thể để ứng phó với quyết định thuế mới của Mỹ, trong đó có cả phương án nhờ đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia hợp pháp.

Brazil cho rằng, các biện pháp thuế mà Mỹ vừa công bố cũng như các mức thuế khác đang được Washington áp dụng đối với nhôm, thép và ô tô nhập khẩu đã vi phạm các cam kết của Mỹ với WTO.

Trên mạng xã hội X, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đánh giá: “Tôi vô cùng tiếc nuối về cách thức mà Mỹ đã lựa chọn khi tìm cách hạn chế thương mại thông qua việc áp thuế quan cao hơn”.

Cũng trên trang mạng X, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đăng dòng trạng thái: “Tình bạn đồng nghĩa với quan hệ đối tác. Quan hệ đối tác bao gồm thuế quan tương ứng. Cần có những quyết định phù hợp”.

Từ Đan Mạch, Ngoại trưởng Lars Lokke Rasmussen bình luận: “Không có ai thắng, mà tất cả đều thua. Thay vì xây tường, chúng ta nên phá bỏ rào cản. Châu Âu cần đoàn kết. Châu Âu sẽ đưa ra những phản ứng mạnh mẽ và tương xứng”.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của đài NRK, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Na Uy Cecilie Myrseth nói: “Chúng tôi đang tính toán và phân tích tình hình. Nhưng rõ ràng là tình hình hiện nay rất nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu và có ý nghĩa sống còn đối với Na Uy”.

Tin cùng chuyên mục