Sau 3 năm tạm ngưng, Ngày thơ Việt Nam trở lại với công chúng yêu thơ tại TPHCM, diễn ra xuyên suốt trong 2 ngày 4 và 5-2 (tức ngày 14 và 15 tháng Giêng).
Tới dự Ngày thơ Việt Nam năm 2023 có các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thọ Truyền, Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TPHCM cùng đông đảo khách mời và công chúng yêu thơ. Từ Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng vào tham dự.
Lãnh đạo TPHCM tặng hoa chúc mừng Ngày thơ Việt Nam năm 2023. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Phát biểu tại lễ khai mạc, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho rằng, thực tế đã khẳng định Ngày thơ Việt Nam là một lễ hội thi ca, để những người làm thơ và những người yêu thơ được gặp gỡ, được tao ngộ, được kết nối với nhau trong không gian sáng tạo và trong không khí nghĩa tình.
Theo nhà văn Bích Ngân, lịch sử thăng trầm của người Việt Nam chưa bao giờ vắng bóng thi ca. Những câu thơ trên yên ngựa, những câu thơ trên chiến hào, những câu thơ xua đuổi ngoại xâm, những câu thơ giữ gìn bờ cõi, những câu thơ đánh dấu biên cương, những câu thơ khai hoang lập ấp... đã hun đúc ý chí Việt Nam qua những thế kỷ gập ghềnh chông gai và thử thách nghiệt ngã.
Nhà văn Bích Ngân phát biểu khai mạc Ngày thơ Việt Nam năm 2023 |
“Chọn chủ đề “Khát vọng phương Nam”, Ngày thơ Việt Nam năm 2023 tại TPHCM thể hiện mong muốn của Hội Nhà văn TPHCM, tiếp tục đồng hành với cán bộ, chiến sĩ và người dân TPHCM trên con đường xây dựng một đô thị tầm cỡ quốc tế, mà hạnh phúc của mỗi con người vừa là trung tâm và cũng là động lực của sự phát triển. Thi ca, khởi điểm từ buồn vui của mỗi con người, nhưng thi ca không đứng ngoài sự được - mất của từng số phận và của cả cộng đồng”, nhà văn Bích Ngân bày tỏ.
Với chủ đề “Khát vọng phương Nam”, ngày thơ năm nay có nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa, là dịp để độc giả yêu thơ được gặp gỡ những nhà thơ nổi tiếng, được nghe chính tác giả cất lên giọng thơ của mình. Các thế hệ nhà thơ như Lê Tú Lệ, Bùi Phan Thảo, Phạm Phương Lan, Trần Mai Hường, Nhật Quỳnh, Minh Đan, Nguyễn Phong Việt… đã cùng hòa chung trong một chương trình, thông qua những thi phẩm của mình, cùng đánh thức “Khát vọng phương Nam” - khát vọng cống hiến, khát vọng của lòng nhân ái, bao dung.
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam năm 2023. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Tổng đạo diễn của chương trình là nhà văn Nguyễn Thu Phương. Với việc ứng dụng màn hình led, Ngày thơ Việt Nam năm nay đã mang đến nhiều phần trình diễn đặc sắc, mới lạ. Thơ được cộng hưởng với âm thanh, hình ảnh cùng những phần múa hỗ trợ, tạo nên nhiều cảm xúc cho người xem.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tham dự ngày thơ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Nhà thơ Doãn Thụy Như chia sẻ, cảm giác đầu tiên của chị khi tham dự ngày thơ năm nay là xốn xang từ trong lòng, một niềm vui bật ra từ trái tim, tâm hồn của người làm thơ, khiến người làm thơ, độc giả yêu thơ thấy mình trẻ ra, vui hơn. Thấy cuộc đời tươi xanh, nhiều cảm xúc, nhất là người làm thơ họ rất vui khi được gặp lại những bạn bè, đồng nghiệp sau 3 năm tạm ngưng.
Nhà thơ Lê Tú Lệ thể hiện chương 4 của trường ca "Nghĩa tình và khát vọng" với sự hỗ trợ của nhóm múa. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Theo nhà thơ Doãn Thụy Như, chương trình năm nay, về cấu trúc có sự hoành tráng, công phu, có nhiều đầu tư, đặc biệt là bố cục toàn bộ chương trình có tính mở, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đặc biệt là tiết mục mở màn là bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phần diễn ngâm của nghệ sĩ Ngọc Sang.
“Ngoài ra, chương trình đã ghi, truyền tải lại tình hình chung của đất nước cũng như TPHCM trong những năm qua sau cơn “bạo bệnh” - dịch Covid-19. Qua chương trình, công chúng đã thấy được sự chia sẻ, đùm bọc, yêu thương của mọi người để cùng đi qua trong giông bão, thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay để cùng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và bắt đầu có những khởi sắc. Một niềm vui thể hiện rõ trên gương mặt của mỗi nhà thơ, nhà văn đến tham dự Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM năm nay”, nhà thơ Doãn Thụy Như chia sẻ.
Nhà thơ Trần Mai Hương thể hiện bài thơ Tưởng niệm của bác sĩ Tự Hàn - nằm trong chùm thơ đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ "Nhân nghĩa đất phương Nam". Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Nhân dịp này, Hội Nhà văn TPHCM còn trao giải cuộc thi bút ký “Những hy sinh thầm lặng”, được phát động vào đầu năm 2022. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các cây bút chuyên và không chuyên trong cả nước.
Cuộc thi không có giải nhất, Ban tổ chức đã trao 2 giải nhì (trị giá 10 triệu đồng/giải) cho tác phẩm Di sản từ trái tim Cường béo (của tác giả Hải Văn) và Màu xanh của bác sĩ Nhẫn (Anh Thư); 4 giải ba (trị giá 7 triệu đồng/giải), gồm: Kỳ nữ Kim Cương gieo yêu thương, gặt nhân ái (Thanh Hiệp), Cây kèn tỏa năng lượng và niềm tin chiến thắng (Hoài Hương), Chữ tình đọng lại (Ngọc Lan), Tình Sài Gòn cưu mang tôi, nay tôi gởi lại Sài Gòn (Minh Đan).
Trao giải cho các tác giả và một số nhân vật trong cuộc thi bút ký "Những hy sinh thầm lặng". Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Cuộc thi còn trao 4 giải tư (trị giá 5 triệu đồng/giải) cho các tác phẩm: Nơi chỉ có tiếng máy thở monitor (Phạm Thị Toán), Sứ mệnh mới của cha đẻ ATM gạo (Nguyễn Ngọc Khuyến), Tim đập lại rồi, bác sĩ ơi (Nguyễn Thành Úc), Cha và con tình nguyện vào Nam chống dịch (Nguyễn Thị Bội Nhiên).
Ngày thơ Việt Nam năm 2023 tại TPHCM kéo dài đến hết ngày 5-2. Trong chiều nay, Hội Nhà văn TPHCM sẽ báo cáo tổng kết ngày thơ, công bố kết quả chấm các lều thơ. Sau đó, lãnh đạo Hội Nhà văn TPHCM trao giải, khen thưởng các CLB thơ; tuyên bố bế mạc Ngày thơ Việt Nam Xuân Quý Mão 2023.