Báo cáo với đoàn giám sát, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, qua 2 năm triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 43 đã góp phần giúp doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh khắc phục khó khăn, kinh tế có sự phục hồi và phát triển tích cực. Trong đó, GRDP năm 2022 tăng 7,79%, đến năm 2023 dù gặp nhiều thách thức cả trong và ngoài nước nhưng GRDP của tỉnh vẫn đạt mức 5,77%.
Bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, từ nguồn vốn được phân bổ thuộc Chương trình phục hồi 1.257 tỷ đồng, tỉnh Sóc Trăng đang triển khai 4 dự án, gồm: Dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 45 trạm y tế tuyến xã; dự án thành phần 4, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; dự án gia cố sạt lở bờ biển từ K39 đến K45, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu; dự án gia cố chống sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm từ cống số 2 đến cống số 4, thị xã Vĩnh Châu.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, tinh thần quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 43 của tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các cơ chế đặc thù như: Bàn giao mỏ cát, công tác lựa chọn, chỉ định nhà thầu, công tác giải phóng mặt bằng...
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai toàn diện hơn nữa các chính sách về tài khóa, tiền tệ, thương mại thuộc chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; chủ động kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh để đẩy nhanh tiến độ giải ngân chương trình.
Cùng ngày, Đoàn giám sát của Quốc hội đã đến thị sát, kiểm tra tại các công trình giao thông trọng điểm và trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.