Đặc biệt, khoảng 1 tháng qua, trung tâm đã tiếp nhận điều trị hàng chục trường hợp mắc SXH do đi du lịch hoặc di chuyển từ khu vực phía Nam, trong đó có không ít trường hợp nhập viện muộn dẫn tới biến chứng nặng như: suy thận, men gan tăng tăng cao, tràn dịch màng phổi. Thậm chí có cả trường hợp mắc SXH kèm viêm màng não. PGS-TS Đỗ Duy Cường cho biết thêm, miền Bắc đang vào giữa hè, thời tiết nắng nóng, kèm mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn Aedes aegypti sinh sản phát triển, kết hợp với việc người dân đi du lịch, nghỉ hè nhiều làm gia tăng nguy cơ mắc SXH.
Qua một số trường hợp mắc SXH có yếu tố dịch tễ đi du lịch, công tác từ miền Nam ra, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi đi du lịch, công tác, thăm thân tại các tỉnh phía Nam hoặc miền Nam Trung bộ là nơi dịch SXH đang gia tăng, nên khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người và có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán SHX kịp thời. Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch, công tác như: mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi để không bị nhiễm bệnh.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, tại Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc, SXH đang bắt đầu vào mùa dịch và đỉnh điểm của dịch dự báo sẽ vào tháng 8 nên mọi người phải hết sức lưu ý chủ động phòng bệnh ngay từ bây giờ. Hiện nay, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất gồm dịch truyền, thuốc men và tập huấn cho nhân viên y tế toàn bệnh viện chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh SXH theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các nhân viên y tế và người dân cũng cần chú ý các dấu hiệu chỉ điểm của SXH để làm xét nghiệm khẳng định, tránh nhầm lẫn với một số bệnh khác như Covid-19 hay sốt virus, sốt phát ban và các bệnh nhiễm trùng khác.