Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được khai mạc ngay sau khi Quốc hội Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA lần thứ 41. Đây là sự kiện chính trị - ngoại giao đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong năm 2020 và cũng là dấu ấn nổi bật trong công tác đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, khối lượng công việc phiên họp thứ 48 khá lớn, trong đó có nhiều nội dung quan trọng, đòi hỏi các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu phải tập trung và phát huy tinh thần trí tuệ tập thể. Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu báo cáo nhanh về kết quả Đại hội đồng AIPA 41; có phiên họp riêng về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.
Cũng trong phiên làm việc chiều 10-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo của Chính phủ về kết quả 6 năm (năm 2015, giai đoạn 2016-2020) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Theo Ủy ban Về các vấn đề xã hội, năm 2015, Chính phủ đã hoàn thành vượt mức mục tiêu giảm nghèo. Giai đoạn 2016-2020 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều), kết quả thực hiện nhiệm vụ này cũng rất ấn tượng, vượt mục tiêu Nghị quyết 76 đề ra với tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5%. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo đến hết năm 2019 và dự báo cuối năm 2020 chưa bền vững và còn có sự chênh lệch giữa các vùng, miền.
Trong 8 vùng của cả nước, chỉ có 5/8 vùng đạt tỷ lệ giảm nghèo theo mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 (dưới 5%), còn lại 3/8 vùng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra, thậm chí có vùng còn cao hơn tới 4 lần.
Cả nước vẫn còn 23/63 (36,5%) tỉnh thành phố chưa đạt mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020, trong đó, 4 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo từ trên 26% đến hơn 33%; 2 tỉnh có hộ nghèo trên 20%; 8 tỉnh có hộ nghèo từ trên 10% đến dưới 20%; 9 tỉnh có hộ nghèo từ trên 5% đến dưới 10%...
Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo DTTS chỉ tăng được 1,2 lần, từ 15,81 triệu đồng năm 2015 lên 19 triệu đồng năm 2019 (mục tiêu Chương trình 135 tăng lên gấp 2 lần). Tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn thoát khoải tình trạng khó khăn chỉ đạt 5,66% (mục tiêu đề ra 20-30%).
Đặc biệt, chiếu vào các tiêu chí giảm nghèo đa chiều thì một số chiều vẫn có sự thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (nhà ở, y tế, nước sạch và vệ sinh).
“Chính phủ không có đánh giá về kết quả thực hiện việc hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Để có cơ sở xem xét đánh giá kết quả việc hạn chế tái nghèo, Ủy ban đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá, số liệu về nội dung này trong cả giai đoạn 2016-2020”, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ.
Về rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách giảm nghèo, cơ quan thẩm tra thẳng thắn nhận định, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực trong việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách giảm nghèo và sắp xếp, điều chỉnh theo hướng tập trung chính sách, nguồn lực, khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp, song kết quả thực hiện nhiệm vụ này chưa hoàn thành theo tiến độ, kế hoạch đề ra. Cụ thể, đối với 19 văn bản cần phải ban hành trong các năm 2014, 2015, 2016 chỉ có 3/19 văn bản được ban hành đúng hạn; 7/19 văn bản ban hành chậm; 9/19 văn bản chưa được ban hành hoặc sẽ không ban hành…
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý về việc chưa có sự tương thích giữa việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều với việc điều chỉnh chính sách phù hợp để hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững; chưa điều chỉnh chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2016-2020.
“Các bộ vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ làm ảnh hưởng tới việc ban hành một số chính sách phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo, an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu của chương trình”, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nhận xét.