Chiều 13-11, Quốc hội làm việc ở tổ, thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Dự án Luật An ninh mạng. Các ĐBQH quan tâm nhiều đến Dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, đa phần các ĐBQH tán thành cần thiết có luật này, tuy nhiên, đại biểu vẫn còn một số băn khoăn.
ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng thời gian qua còn lộ, lọt nhiều bí mật Nhà nước, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. “Điều này gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn về kinh tế xã hội, về quốc phòng an ninh và trên nhiều lĩnh vực. Thậm chí lộ lọt bí mật nhà nước còn ảnh hưởng đến việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn, tốn kém. Hay việc lộ, lọt thông tin và bí mật trong đấu thầu công trình sẽ gây ra lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Vì vậy, ban hành luật là cần thiết. Tuy nhiên, cần tuyệt đối tránh lạm dụng bảo vệ bí mật để bưng bít thông tin vì mục đích nhóm, vì lợi ích cá nhân”, ĐB Đinh Duy Vượt nói.
ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) nêu ý kiến, phải hết sức cẩn trọng trong quy định tổ chức hội thảo, hội nghị, cuộc họp có nguy cơ làm lộ bí mật Nhà nước.
“Có những cuộc họp, trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông, kể cả cán bộ chủ chốt cũng chưa biết mà thông tin đã lọt ra ngoài, khiến dư luận xuyên tạc. Đề nghị phải chặt chẽ hơn trong vấn đề bảo mật, tính an toàn thông tin của các hội thảo, hội nghị có yếu tố bí mật nhà nước”, ĐB Huỳnh Thanh Cảnh nói.
Còn theo ĐB Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ), hiện nay thông tin đưa ra ngoài rất dễ, đó là lý do những hội nghị quan trọng của TƯ phải phá sóng điện thoại để tăng tính bảo mật. Nhưng luật chưa rõ trách nhiệm của người phải bảo mật thông tin.
“Theo tôi, trách nhiệm trước hết thuộc về người chủ trì hội nghị, ví dụ anh phải thông báo cho tất cả các thành viên tham gia hội nghị về việc bảo mật thông tin. Tiếp đến là trách nhiệm của các thành viên tham gia hội nghị, phải tránh tình trạng hội nghị cần bảo mật nhưng chỉ cần bật điện thoại lên là biết hết”, ông Quyên nói.
ĐB Nguyễn Văn Quyền cũng cho rằng, luật cũng chưa quy định rõ ai được quyền sao, in tài liệu tối mật, tuyệt mật. Cần quy định rõ văn bản tuyệt mật thì chỉ được in bao nhiêu bản, quy định rõ ai là người được nhận, không được phép sao chụp, sao bao nhiêu bản cũng phải rõ ra.
Ở khía cạnh khác, ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) cho rằng, so với yêu cầu thực tế thì dự thảo luật này còn quá chung chung, chưa rõ các quy định. “Thực tế hiện nay những quy định về bảo mật còn chung chung, dễ bị lạm dụng. Có những vấn đề ĐBQH cần tiếp cận để thông tin cho cử tri thì vướng quy định mật. Trong khi đó, có những vấn đề thuộc tối mật, tuyệt mật thì vẫn bị lộ”, ĐB Mạnh nêu.
ĐB Ngô Đức Mạnh cho rằng để tránh lạm dụng việc coi tài liệu mật để bưng bít thông tin thì chỉ nên quy định chặt chẽ việc bảo mật ở các lĩnh vực an ninh quốc phòng. Còn những lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường cần quy định rõ liều lượng. “Tóm lại cần có danh mục cụ thể những tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật để tránh lạm dụng”, ĐB Mạnh nêu vấn đề.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng cũng cho rằng có tình trạng lạm dụng "mật". Đồng thời đặt vấn đề, "tại sao xem sức khỏe của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là thông tin bí mật nhà nước? Nếu xem là bí mật thì phải có biện pháp bảo vệ thông tin chứ không để thông tin ra ngoài trái chiều, khác nhau?". ĐB Bùi Đặng Dũng dẫn chứng, vừa qua liên quan đến sức khỏe của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại sao không công khai mà cứ để trên mạng, ngoài xã hội đồn thổi.
“Sinh lão bệnh tử là quy luật bình thường, tuổi 60 bệnh tật cũng là lẽ thường. Chỉ đến khi hình ảnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang xuất hiện khỏe mạnh thì ngay lập tức đập tan dư luận, nếu công bố sớm hơn thì tránh kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc"- ông Dũng góp ý.