Ngày 8-5, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến lần thứ 12 nhằm cho ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để gửi tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.
Nhiều ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã góp ý làm rõ thêm những vấn đề mà cử tri, nhân dân quan tâm.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho rằng, dư luận rất đồng tình ủng hộ về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Nhân dân không thể chấp nhận tình trạng trong bối cảnh dịch khó khăn chồng chất nhưng đã xảy ra vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á; vụ án “nhận hối lộ" tại Bộ Ngoại giao”.
Bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, cử tri và nhân dân rất phấn khởi khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường; Đảng, Nhà nước đẩy mạnh phòng chống tham nhũng; an sinh xã hội được bảo đảm...
“Nguồn lực đất đai chưa được sử dụng đúng mục đích, đây là vấn đề lớn mà xã hội rất bức xúc, cần được xử lý. Vụ án thao túng thị trường chứng khoán ở tập đoàn FLC cần được xử lý nghiêm minh, không chấp nhận doanh nghiệp lớn lại làm ăn phi pháp, không để người giàu lại giàu thêm, người nghèo lại thêm nghèo do hành vi làm ăn phi pháp”, bà Hà Thị Liên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cũng cho rằng, cử tri, nhân dân rất ủng hộ công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, nhưng cần làm tốt hơn công tác thanh tra, kiểm toán. Đơn cử vụ Tân Hoàng Minh, FLC nếu công tác thanh tra, kiểm tra được làm sớm, xử lý vụ việc sớm, ngay từ gốc thì hậu quả sẽ được giảm thiểu, không nặng nề như hiện nay.
Bên cạnh phòng chống tham nhũng cũng cần đẩy mạnh chống lãng phí, hiện nay là vô kể, nhiều dự án lớn chậm triển khai, triển khai dở dang nhiều năm, lãng phí rất nhiều tiền của. Lãng phí đất đai, đầu tư, triển khai dự án... rất lớn.
Ông Đỗ Duy Thường cho rằng, thời gian qua, có nhiều bị can trong các vụ án kinh tế lớn đã “nhanh chân” trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố. Vậy vấn đề ở đâu? Có chăng việc làm lộ bí mật? Có quan hệ cá nhân để đưa đối tượng đi trốn?… Cần làm rõ điều này, nếu không sẽ rất khó giải thích với dân.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga đề nghị Chính phủ đẩy mạnh các giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 để sớm giải quyết khó khăn cho người dân, vì nhiều người dân đang rất khó khăn. Tội phạm lừa đảo ngày càng lộng hành, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay, do đó nhiều người bị lừa, lâm vào cảnh khốn cùng.
Đặc biệt, các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em cần được đẩy mạnh hơn nữa. Theo bà Hà Thị Nga, cần phản ánh đậm nét hơn sự lo lắng của cử tri trước những sự việc bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em trong thời gian vừa qua, như vụ bé gái 8 tuổi tử vong do bị mẹ kế bạo hành tại TPHCM; bé gái bị cha dượng xâm hại ở Sơn La...
Cử tri rất mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan đến vấn đề này. Cơ quan chức năng phải có giải pháp hữu hiệu hơn trong phát hiện, phòng ngừa và giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tiếp tục phát huy các đường dây nóng về phòng chống bạo lực gia đình; cần tổ chức nghiên cứu các mô hình “Nhà tạm lánh”, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho các nạn nhân của bạo lực gia đình; cụ thể hóa các giải pháp khi sửa đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình sắp tới.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cũng đồng tình kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em hơn, bởi hiện nay, đây đang là một vấn đề nhức nhối.
Về kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị môn Lịch sử phải là môn học chính thức, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết đây cũng là kiến nghị của Trung ương Đoàn.
Rộng hơn nữa, Trung ương Đoàn cũng kiến nghị xem xét lại việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, việc cho học sinh lựa chọn các môn học, phân chia thành các tổ hợp định hướng nghề nghiệp sẽ quay trở lại việc học lệch, "học tủ" như trước đây, mà trong xu thế hội nhập toàn cầu, đó là điều không nên.
Thiếu tướng Lê Mã Lương cũng đồng tình không tích hợp môn Lịch sử với môn học khác, Lịch sử phải là môn học bắt buộc. Khi học sử một cách toàn diện nhất thì sẽ trang bị hành trang vững vàng cho học sinh tốt nghiệp THPT, còn vào đại học, chỉ ai học chuyên sâu mới phải học Lịch sử.
Bà Hà Thị Liên và một số ý kiến cũng bày tỏ to lắng về tình trạng một bộ phận người lao động do khó khăn trước mắt đã thanh toán, rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ không bảo đảm đời sống. Đây là một vấn đề nổi lên của xã hội hiện nay, đe dọa an sinh xã hội. MTTQ cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội để tuyên truyền, vận động người dân hạn chế tình trạng nêu trên, đồng thời Chính phủ phải có giải pháp để giải quyết việc này.
Ông Đỗ Duy Thường cho rằng, báo cáo cần đề cập rõ hơn tác động của hậu Covid-19. Vừa qua có nhiều vụ đáng tiếc xảy ra với trẻ em, học sinh. Đó là dấu hiệu nguy hiểm, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, rà soát, vào cuộc giải quyết, không để phát sinh thành vấn đề lớn của toàn xã hội.