Nguyễn Thùy Dung, sinh năm 1990 tại Bến Tre; tốt nghiệp thủ khoa Báo chí (Trường ĐH KHXH&NV TPHCM). Chị cũng chính là người sáng lập trang Ngày ngày viết chữ, một Fanpage chuyên bàn thảo về tiếng Việt, hiện đang thu hút hơn 147.000 lượt theo dõi. Đây là chuyên trang chuyên “kể những câu chuyện giản dị be bé về tiếng Việt” với lĩnh vực quan tâm chủ yếu là ngôn ngữ học đối chiếu và mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn hóa.
Trước khi ra mắt Chữ xưa còn một chút này, Nguyễn Thùy Dung từng xuất bản: Từ vay hay dùng (NXB Kim Đồng, 2019) và tác phẩm dịch Đừng vì vẻ ngoài mà lướt qua nhau (Văn Lang Books và NXB Hồng Đức, 2020). Cuốn sách mới nhất của chị tập hợp 100 mục từ, được chắt lọc từ trang Ngày ngày viết chữ.
Những lý giải trong cuốn sách này (theo chiều lịch đại) sẽ giúp độc giả có thêm hiểu biết về những câu chuyện xa xưa của chữ nghĩa. Qua đó, giúp người đọc hiểu hơn về cách dùng từ sao cho hay cho đúng để áp dụng vào công việc và trong cuộc sống, cũng như thấy được vẻ đẹp của tiếng Việt.
Để duy trì hoạt động của Ngày ngày viết chữ cũng như ra mắt sách Chữ xưa còn một chút này, Thùy Dung phải đọc, tìm hiểu qua nhiều nguồn tài liệu như: Đại Nam Quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, Từ điển Việt cổ của Nguyễn Ngọc San và Đinh Văn Thiện, Diện mạo văn học dân gian Nam bộ của Nguyễn Văn Hầu, Nguyễn Trãi Quốc âm Từ điển của Trần Trọng Dương…
Tác giả chia sẻ: “Nếu các bạn theo dõi Ngày ngày viết chữ sẽ thấy thỉnh thoảng, tôi có chia sẻ một số đầu sách. Tuy nhiên, có những đầu sách rất hay nhưng chỉ xuất bản với số lượng hạn chế, hoặc đã không còn nữa. Nguồn tư liệu để các bạn tiếp cận với tiếng Việt không phải là thiếu thốn, có thể nó không được phong phú như các ngôn ngữ khác nhưng nó cũng không quá ít. Mặc dù những đầu sách này cũng không phải dễ đọc, nhưng mình phải chịu khó đọc, cứ đọc và tìm hiểu dần dần thôi”.
“Mỗi sáng thức dậy, các bạn lọc ra, tiếp nhận một chút thông tin; trải qua quá trình tự lọc, tự mình "gạn đục khơi trong" rồi tự mình tìm hiểu, du nạp thêm từ nhiều nguồn thông tin khác, chắt lọc thành kiến thức cho mình. Đừng nghĩ cuốn sách là tuyệt đối, chuẩn mực”, Thùy Dung bày tỏ.
Bên cạnh đó, hai tác giả cũng đã thảo luận với các bạn trẻ yêu thích chữ nghĩa, đam mê viết lách về cơ hội nghề nghiệp cũng như hành trang cần chuẩn bị để dấn thân với nghề.