Rà soát trình độ học sinh khi trở lại trường
Hiện tại, các trường tiểu học, THCS và THPT đã hoàn tất kiểm tra giữa học kỳ 1 năm học 2021-2022. Ghi nhận chung cho thấy, các đề kiểm tra đều ở mức độ nhận biết và thông hiểu, câu hỏi vận dụng thấp và không có câu hỏi vận dụng cao. Lý giải điều này, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, chưa thể đòi hỏi tỷ lệ 100% HS tham gia học trên internet do khó khăn về đường truyền mạng, thiết bị, dịch bệnh chi phối… “Tình trạng HS tiếp thu kiến thức không đồng đều trong lớp học luôn xảy ra dù dạy học trực tiếp hay trực tuyến. Tuy nhiên, khi tổ chức dạy học trực tuyến, chênh lệch sẽ nhiều hơn do nhiều nguyên nhân khách quan như điều kiện đường truyền, thiết bị đầu cuối, môi trường học tập lẫn nguyên nhân chủ quan từ ý thức, khả năng tự học”, đại diện Sở GD-ĐT chia sẻ. Do đó, dạy học qua internet là giải pháp tình thế trong giai đoạn hiện tại.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu, khi HS trở lại trường, giáo viên ở từng lớp có trách nhiệm rà soát việc tiếp thu kiến thức của HS để có biện pháp bổ sung kiến thức phù hợp. Ở bậc tiểu học, giáo viên rà soát kiến thức, kỹ năng nào HS chưa nắm vững để bổ sung. Riêng với bậc THCS và THPT, ở từng môn học, giáo viên có kế hoạch củng cố kiến thức theo 2 hình thức: củng cố chung trên lớp hoặc tổ chức phụ đạo riêng từng nhóm HS.
Việc rà soát, bổ sung kiến thức có làm ảnh hưởng đến tiến độ dạy học của học kỳ 2 hay không? Ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, các trường phổ thông hiện nay đã được trao quyền chủ động phân bổ thời gian hoàn thành các nội dung chương trình giáo dục, do đó giáo viên có thể chủ động xây dựng nội dung bài học, làm sao đảm bảo mục tiêu chương trình. Các thầy cô có thể linh động bố trí thời gian để bổ sung, rà soát việc tiếp thu kiến thức của HS song song với triển khai kiến thức mới. Điều này không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình khi kết thúc năm học. Tuy nhiên, phó hiệu trưởng một trường THCS ở quận Bình Thạnh lo ngại, những lớp có tỷ lệ HS không tham gia dạy học trực tuyến cao hoặc HS cần bổ sung kiến thức nhiều, giáo viên phải phụ đạo. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tổng số tiết dạy và quyền lợi của giáo viên. Đây là vấn đề cần được cơ quan quản lý quan tâm và hướng dẫn thực hiện.
Quan tâm sức khỏe tinh thần học sinh
Theo TS Nguyễn Thụy Phương, giảng viên Trường Đại học Paris (Pháp), khi HS trở lại trường học, nhà trường đứng trước 2 lựa chọn là ưu tiên thực hiện các mục tiêu của chương trình giáo dục hoặc quan tâm phát triển các kỹ năng nhận thức, xã hội cho HS sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và giãn cách xã hội. Ở góc độ khác, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập một trong những hệ thống trường ngoại khóa chuyên sâu đầu tiên ở Việt Nam, cho rằng, khi HS trở lại trường học, song song với việc điều chỉnh chương trình, thói quen học tập cũng là nội dung cần được các trường quan tâm. Sau thời gian dài học trực tuyến, nhiều HS đã quen với việc ngồi trước màn hình máy tính 3-10 giờ mỗi ngày, mất thói quen ghi chép bài học do quen với việc sử dụng điện thoại di động chụp hình, xem video clip bài giảng, tương tác qua bàn phím… Chuyên gia này dự báo, khi trường học mở cửa trở lại, các mô hình ngoại khóa sẽ “có đất dụng võ” nhằm bổ sung khoảng trống về kỹ năng và kiến thức mà trường chính khóa không giải quyết nổi. Khi đó, gia đình trở thành phòng học nối dài của nhà trường trong vai trò phối hợp cùng giáo viên nâng cao chất lượng giáo dục HS.
Một số nghiên cứu giáo dục gần đây cho thấy, khi HS trở lại trường, dạy học trực tuyến vẫn là phương pháp được các trường tiếp tục sử dụng nhằm bổ trợ cho quá trình dạy học trực tiếp. Theo nhà nghiên cứu Vũ Đức Trí Thể, dịch bệnh đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong giáo dục hơn 10 năm, tạo ra áp lực lớn cho cả người dạy lẫn người học. Khi việc học triển khai phần lớn qua màn hình, đòi hỏi khả năng làm chủ của người học, các yếu tố về quản trị cảm xúc, kỹ năng thích ứng và sức khỏe tinh thần cho HS là những yêu cầu mới đặt ra trong giáo dục. Để thực hiện mục tiêu xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, ngành giáo dục cần thêm giải pháp quan tâm sức khỏe tinh thần và nhu cầu xã hội của HS.