Bộ sưu tập nhiếp ảnh thủ công đen trắng, đưa người xem đi qua những khoảnh khắc giữa con người và thiên nhiên, vừa có sự đối lập, vừa có sự hài hòa để mỗi người có thể chìm đắm nhiều hơn vào những khoảnh khắc ấy. Bộ ảnh được chọn triển lãm trong khuôn khổ “Photo Hanoi’23 - Biennale”, sự kiện nhiếp ảnh quốc tế đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 5 vừa qua, do Viện Pháp tại Việt Nam khởi xướng dự án, dưới sự bảo trợ của UBND TP Hà Nội.
Từ sự đồng nhất về chất liệu, các tác phẩm mang nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, được trình bày với khán giả như một bản giao hưởng hài hòa, đem lại một trải nghiệm mượt mà xuyên suốt, với vẻ đẹp thị giác độc đáo trong thời đại của nhiếp ảnh kỹ thuật số.
Không chỉ riêng triển lãm “Silver Lining” lần này, vài năm trở lại đây, xu hướng ảnh thủ công trở lại và thịnh hành với những bạn trẻ đam mê “níu giữ thời gian”. Tìm hiểu và thực hành nhiếp ảnh từ năm 19 tuổi, để chuyên nghiệp hơn với đam mê nhiếp ảnh thủ công, tác giả 9X Trương Cao Hoàng dành một năm để theo học nhiếp ảnh tại thủ đô Warsaw của Ba Lan.
“Khoảng thời gian du học, tôi có dịp tiếp cận với nhiều máy ảnh thủ công, các nghệ sĩ, cũng như quá trình tráng phim và rọi ảnh. Tôi nghĩ rằng nhiếp ảnh thủ công đòi hỏi sự cẩn trọng và tỉ mỉ của người thực hành, và nó luôn có một sức hút khó cưỡng với nhiều người nhờ sự tinh tế và sắc nét của thành phẩm”, Trương Cao Hoàng chia sẻ.
Với ảnh thủ công, đòi hỏi nghệ sĩ phải dành nhiều thời gian cho việc tráng phim và rọi ảnh trong phòng tối. Quá trình tráng rọi từng tác phẩm một cách trau chuốt và tỉ mỉ khiến tác giả hiểu sâu hơn và gắn kết chặt chẽ hơn với tác phẩm của mình. Đây cũng là điểm khác biệt giữa nhiếp ảnh thủ công với nhiếp ảnh kỹ thuật số, và cũng khiến các tác phẩm nhiếp ảnh đen trắng thủ công khuấy động nhiều cảm xúc và suy tưởng cho người xem.
Theo đuổi nhiếp ảnh thủ công chính là thực hành sự tiết kiệm và tính kiên nhẫn. Số lượng ảnh trong một cuộn phim sẽ có giới hạn trong 24 hoặc 36 tấm, nên tác giả phải thật cẩn thận và tính toán kỹ càng cho mỗi lần “lên còi - bấm chụp”. Sau đó, cuộn phim được mang đi tráng để cho ra những âm bản phản ánh những chỗ sáng tối của khung cảnh đã chụp. Đây cũng là một khâu cực kỳ khó và quan trọng để tạo ra một tác phẩm giàu cảm xúc trước mắt người xem.