Brussels cũng đã có những động thái để áp dụng hệ thống này đối với một số nguồn tài trợ của Liên minh châu Âu (EU), có nghĩa từ quy tắc này có thể quyết định những dự án nào đủ điều kiện để EU tài trợ.
Trong dự thảo nói trên, EC sẽ dán nhãn các khoản đầu tư vào nhà máy điện hạt nhân là nhãn xanh nếu dự án có kế hoạch, kinh phí và địa điểm để xử lý chất thải phóng xạ an toàn. Để được coi là “xanh”, các nhà máy hạt nhân mới phải nhận được giấy phép xây dựng trước năm 2045.
Các khoản đầu tư vào các nhà máy điện dùng khí tự nhiên cũng sẽ được coi là “xanh” nếu thỏa mãn các điều kiện: tạo ra lượng khí thải dưới 270g CO2 cho mỗi kilowatt giờ (kWh), thay thế một nhà máy nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm hơn, nhận được giấy phép xây dựng vào trước ngày 31-12-2030 và có kế hoạch chuyển sang mức phát thải thấp khí CO2 vào cuối năm 2035.
Theo EC, sản xuất điện bằng khí tự nhiên và điện hạt nhân sẽ được dán nhãn xanh khi đó là các hoạt động không hoàn toàn bền vững nhưng có thể chấp nhận trong giai đoạn chuyển tiếp từ phát thải khí CO2 sang giai đoạn trung hòa CO2 sau năm 2050.
Trên thực tế, quy tắc dán nhãn xanh cho các hoạt động sản xuất điện sau khi được EC công bố vẫn có thể bị đa số các nước thành viên EU hoặc Nghị viện châu Âu phủ quyết. Chính sách này đã gây tranh cãi nội khối trong hơn 1 năm qua xung quanh việc loại nhiên liệu nào thực sự bền vững. Khí tự nhiên thải ra gần phân nửa lượng khí thải CO2 so với than khi đốt trong các nhà máy điện nhưng cơ sở hạ tầng khí đốt cũng có thể gây rò rỉ khí methane, một loại khí cũng gây tăng nhiệt độ Trái đất. Năng lượng hạt nhân tạo ra lượng khí thải CO2 rất thấp nên được coi là xanh nhưng có thể tác động nghiêm trọng đến môi trường nếu không xử lý tốt chất thải phóng xạ…
Bà Marisa Drew, người đứng đầu bộ phận đầu tư bền vững tại Ngân hàng Credit Suisse, dự báo, sự chấp thuận của EC sẽ mở ra làn sóng đầu tư ồ ạt vào điện hạt nhân và điện từ khí đốt tự nhiên.