Đầu tư đào tạo nhân lực 4.0
Để làm được những điều đó, trong các cuộc gặp gỡ lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian gần đây, nhiều kiến nghị cụ thể đã được các nhà khoa học nêu ra, nhằm thuận lợi hơn trong nghiên cứu, tiếp cận được công nghệ mới, nhanh chóng làm chủ công nghệ để tạo ra các sản phẩm ứng dụng rộng rãi vào đời sống, xã hội đất nước.
GS-TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đề xuất Nhà nước cần có chính sách cụ thể, khả thi trong đào tạo cán bộ KH-CN theo tinh thần “thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệm” để có một đội ngũ các nhà khoa học nông nghiệp có đủ phẩm chất, năng lực tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến của thế giới, cũng như sáng tạo ra các công nghệ mới mang thương hiệu của Việt Nam. Trong đó, phải gắn liền đào tạo, chuyển giao công nghệ với khởi nghiệp.
“Cần có chiến lược và quyết liệt thực hiện việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực 4.0, cụ thể là nhân lực cho công nghệ số, vật lý, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học; cần phải có cơ chế, chính sách thiết thực và hiệu quả. Làm như vậy để giữ được lực lượng cán bộ đang làm việc tiếp tục cống hiến, đóng góp (với chế độ trả công xứng đáng, có các yếu tố động viên). Đồng thời khơi dậy được niềm đam mê học KH-CN cho học sinh phổ thông, tạo được niềm tin cho thế hệ trẻ có thể sống bằng nghề làm KH-CN và có điều kiện, môi trường nghiên cứu, theo đuổi ước mơ KH-CN. Qua đó, đẩy mạnh sự hội nhập, hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực bên ngoài tham gia hoạt động KH-CN trong nước”, GS-TS Nguyễn Quang Liêm, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, kiến nghị.
Để không bị tụt hậu
Một số hạn chế lớn về cơ chế, chính sách đối với hoạt động nghiên cứu KH-CN hiện nay đã được các cấp chỉ ra. Đó là tỷ lệ đầu tư ngân sách cho khoa học những năm gần đây giảm. Luật quy định phải chi 2% ngân sách cho KH-CN, nhưng từ năm 2001 đến nay, năm cao nhất mới được 1,8% và có xu hướng giảm dần.
Hiện nay, vẫn chưa định hình rõ tư duy chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học nên rất nhiều quy định, quy trình phức tạp. Việc sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học chưa hiệu quả, nhiều đề tài, công trình trùng lặp. Chưa có những chính sách kinh tế thiết thực để mọi doanh nghiệp thấy lợi ích khi đầu tư vào KH-CN.
"Thực tế đó nói lên trí tuệ, sự cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam, đồng thời chỉ ra những bất cập về cơ chế, chính sách đối với KH-CN. Từ đó đặt ra yêu cầu phải có cơ chế chính sách đột phá thực sự cho KH-CN trong quá trình chuẩn bị, xây dựng chiến lược phát triển đất nước 10 năm tới. Không thể để tình trạng coi KH-CN là quốc sách hàng đầu nhưng đầu tư ngân sách ngày càng giảm, tỷ lệ trên GDP chỉ bằng 1/4 - 1/3 so các nước khác" Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM |
Có rất nhiều vấn đề, nội dung cần làm, nhưng trong quá trình chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới, nhiệm vụ tăng cường tiềm lực KH-CN, sự sáng tạo phải được xem là một khâu đột phá. Bởi thời gian qua, nhiều địa phương trong công tác chỉ đạo, thực hiện, vẫn chưa thực sự coi KH-CN là quốc sách hàng đầu!
Phát biểu tại lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 ở Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, nếu không đột phá thực sự về KH-CN, đất nước sẽ không vượt lên được, thậm chí muốn đuổi kịp các nước trong khu vực cũng vô cùng khó khăn.
Phó Thủ tướng trăn trở và mong muốn các trí thức, nhà khoa học tiếp tục được tạo điều kiện, có những đóng góp mang tính quyết định để “đất nước chiến thắng trong cuộc đua không bị tụt hậu, vươn lên giàu mạnh bằng các nước”. Trong 5 năm qua, dù điều kiện còn rất hạn chế, nhưng các nhà khoa học Việt Nam đã đạt được những kết quả nghiên cứu mà thế giới đánh giá ngang bằng các nước có thu nhập bình quân và chi phí cho KH-CN nhiều gấp mấy lần.