Sau nhiều tháng bị trì hoãn và bất chấp sự phản đối từ cả phía người Serbia và người gốc Albania, Phái bộ cảnh sát và tư pháp châu Âu (EULEX) đã bắt đầu đảm nhận vai trò giám sát tại Kosovo, tỉnh trực thuộc Serbia, thay cho các nhân viên LHQ trước đây.
Những nhân viên đầu tiên thuộc lực lượng EULEX (1.900 người) đã bắt đầu chuyển đến một trong những khu vực nhạy cảm nhất ở phía Bắc Kosovo nơi có đông người Serbia sinh sống, những người vốn không tin tưởng Liên minh châu Âu (EU). EULEX sẽ đảm nhận nhiệm vụ của Liên hiệp quốc, nhưng vẫn phải dựa vào 16.000 quân gìn giữ hòa bình của NATO đang làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh tại đây. Lúc đầu EULEX dự kiến sẽ đến đảm nhận nhiệm vụ vào tháng 6-2008, nhưng phải hoãn lại cho đến khi Cộng hòa Serbia và Liên bang Nga chấp nhận kế hoạch 6 điểm của LHQ. Theo đó EULEX sẽ trung lập và không liên quan gì đến quy chế của Kosovo, trong khi đó những khu vực có đa số người Serbia sẽ vẫn nằm dưới sự bảo trợ của LHQ.
Lực lượng EULEX sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn không chỉ trong cuộc chiến chia rẽ sắc tộc mà còn phải đối phó vấn đề buôn lậu người, buôn lậu ma túy qua Kosovo để thâm nhập vào châu Âu. Tính chất phức tạp của xung đột quyền lợi đã bị đẩy lên cao hồi tháng 11 khi các trụ sở của EU tại đây bị tấn công bằng bom và 3 nhân viên tình báo Đức bị bắt vì đã chụp ảnh khu vực. Phụ trách phái bộ EU Yves De Kermabon cho rằng Kosovo là một phần của châu Âu và EU có nhiệm vụ giúp đỡ ủng hộ Kosovo. Tuy nhiên những người Serbia ở gần Kosovo thì không hề có ấn tượng tốt đẹp gì đối với đội quân EU. Việc triển khai phái bộ nêu trên của EU đã làm dấy lên những cuộc biểu tình tại Pristina, thủ phủ tỉnh Kosovo, vì cho rằng vai trò của EU cũng giống như vai trò của LHQ tại phía Bắc Kosovo sẽ dẫn đến tình trạng chia rẽ bè phái.
Kosovo đã tự tuyên bố độc lập hồi tháng 2-2008, đến nay đã được sự công nhận của hơn 50 nước, trong đó hầu hết là các nước EU nhưng tình hình vẫn căng thẳng. Nhiều người Serbia cùng chung ý kiến với giáo sư sử học Dragomir Vukovic: “Không hy vọng điều gì tốt đẹp sẽ đến từ lực lượng chiếm đóng vì họ chính là những người từng ném bom xuống đầu chúng tôi”. Họ ám chỉ lực lượng NATO năm 1999 đã ném bom vào các lực lượng Serbia.
Việt Lê