![Ê kíp phẫu thuật của Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM lấy ra hơn 100 con giun đũa gây tắc ruột một bệnh nhi 2 tuổi](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/ohpohuo/2025_02_14/o4e-3007-8655.jpg.webp)
Suy kiệt vì nhiễm giun lươn
Vừa qua, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận một nữ bệnh nhân 64 tuổi (ngụ tỉnh Tiền Giang) trong tình trạng ho và khó thở, tiền căn đau xương khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận. Theo ThS-BS Đặng Nam Hải, khoa Hô hấp - Hồi sức tim mạch, các xét nghiệm cho thấy người bệnh bị thiếu máu mức độ trung bình, tăng bạch cầu ái toan, viêm phổi. Trong đó, tăng bạch cầu ái toan là một chỉ điểm của tình trạng nhiễm ký sinh trùng. Quá trình nội soi phế quản và dạ dày - tá tràng ghi nhận người bệnh bị viêm dạ dày - tá tràng, dịch rửa phế quản có nhiều dị vật màu trắng xám là ấu trùng giun lươn. Bác sĩ đánh giá, người bệnh bị nhiễm giun lươn nặng ở phổi và ruột trên cơ địa suy giảm miễn dịch.
Cùng bệnh cảnh ho và khó thở kéo dài, một người bệnh ung thư thanh quản cũng đến thăm khám tại Bệnh viện Nhân dân 115. Tại đây, kết quả chụp phim cắt lớp vi tính ngực và ổ bụng ghi nhận tình trạng hẹp môn vị, tổn thương phổi hoại tử hai bên. Dịch phế quản cũng chứa ký sinh trùng giun lươn. Người bệnh được điều trị đặc hiệu theo phác đồ và phục hồi sau đó. ThS-BS Đặng Nam Hải nhận định, mặc dù nhiễm giun lươn là bệnh thường gặp nhưng có diễn biến bất thường, đặc biệt ở người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm giun lươn có thể lên đến 20%, trong khi thế giới có khoảng 100-370 triệu người nhiễm loại ký sinh trùng này.Người bệnh có thể bị nhiễm khi tiếp xúc với ấu trùng giun lươn trong đất hoặc khi trứng giun nở trong ruột và tự sinh sôi. Ấu trùng giun lươn không chỉ gây bệnh ở đường tiêu hóa mà còn xâm nhập vào phổi và nhiều cơ quan, gây ra biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, các bác sĩ đã phẫu thuật lấy ra một búi giun đũa hơn 100 con trong ruột của bé trai 2 tuổi. Thời điểm nhập viện, bệnh nhi sốc nặng, suy hô hấp tuần hoàn, chẩn đoán tắc ruột, nhiễm trùng. ThS-BS Phạm Nguyễn Hiền Nhân, khoa Ngoại - Tổng hợp, chia sẻ, ca phẫu thuật khẩn cấp ghi nhận toàn bộ chiều dài ruột non chứa hơn 100 con giun đũa lớn, nhỏ. Ngoài ra, một đoạn ruột non khoảng 70cm bị xoắn hoại tử được cắt bỏ, khâu nối. Khó khăn nhất là ê kíp phải xẻ ruột non nhiều vị trí để lấy hết giun đũa ra ngoài.
Phòng ngừa đúng cách
Theo ThS-BS Đặng Nam Hải, ấu trùng giun lươn vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, xuyên qua thành ruột, theo máu đi đến các cơ quan. Đáng chú ý, ở những người bệnh suy giảm miễn dịch kèm theo bệnh nền, giun lươn sẽ bùng phát tấn công cơ thể, dẫn đến hội chứng tăng nhiễm giun lươn (Hyperinfection) và nhiều vi trùng mang theo gây ra bệnh cảnh nhiễm trùng nặng. Giun lươn cũng được xếp vào nhóm giun tròn nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa, vì có thể tự nhân lên trong cơ thể người. Phần lớn người bệnh bị nhiễm ký sinh trùng, trong đó có giun lươn, chủ yếu do thói quen không an toàn như: ăn uống đồ tái sống (rau sống, gỏi hải sản, thịt tái, thịt sống); thường xuyên tiếp xúc với đất, cát mà không đeo găng tay, không rửa tay sạch sẽ sau khi làm việc. Ngoài ra, nhiều người nuôi thú cưng cũng bị nhiễm sán chó, sán mèo trong quá trình chăm sóc, gần gũi. Một thống kê cho thấy, người nuôi chó có tỷ lệ nhiễm sán chó cao hơn bình thường 21 lần. Người mắc bệnh thường do nuốt phải trứng sán chó khi ăn uống các loại thực phẩm bị nhiễm trứng sán hoặc do tiếp xúc trực tiếp vật nuôi nhiễm bệnh.
TS-BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, cũng lưu ý, hầu hết trẻ em có thói quen cầm nắm, ăn uống mà không vệ sinh tay kỹ, hoặc tiếp xúc với đất cát chứa trứng giun. Sau khi vào cơ thể, trứng giun nở thành ấu trùng, phát triển thành giun trưởng thành. Nếu số lượng giun tập trung với số lượng lớn trong ruột thì sẽ gây tắc nghẽn. Ở mức độ nhẹ hơn, trẻ có thể bị suy dinh dưỡng, đau bụng.
Để phòng ngừa, người dân nên tuân thủ nguyên tắc an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi, hạn chế ăn rau sống chưa rửa sạch, hạn chế các món gỏi sống, thực hiện tẩy giun định kỳ cho trẻ nhỏ cũng như người lớn. Khi tiếp xúc với đất, cát, vật nuôi, nên sử dụng găng tay, giày dép. Đồng thời, chủ động nâng cao sức đề kháng để tăng cường miễn dịch của cơ thể.