Dấu ấn một nhiệm kỳ
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; không ngừng đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là tập trung khắc phục các khuyết điểm theo các kết luận của Trung ương.
Tiên phong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Nhiều năm liền giữ vững thứ hạng cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Cải cách hành chính, Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.
Nhiệm kỳ qua, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch, tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Hệ thống chính quyền điện tử bước đầu được hình thành với 269 cơ quan đang sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử, 95% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đà Nẵng được chọn là một trong 3 đại diện của Việt Nam tham gia Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN.
Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX); tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai kịp thời và đạt được một số kết quả bước đầu tạo nền tảng cho sự phát triển của TP Đà Nẵng, nổi bật là tham mưu ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Chỉ đạo xây dựng, hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế Đà Nẵng đến năm 2030. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc rà soát, điều chỉnh những bất cập trong quy hoạch phát triển với mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến cộng đồng, phục vụ lợi ích của nhân dân.
Trên cơ sở Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và Thông báo số 331-TB/TU, Đà Nẵng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 393/QĐ-TTg ngày 18-3-2020 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đặt ra quan điểm phát triển theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; tập trung phát triển 3 trụ cột chính, đó là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo, trật tự, an toàn xã hội.
Nhằm tạo ra những tư duy, cách tiếp cận mới trong quy hoạch để làm động lực cho đà phát triển của Đà Nẵng trong giai đoạn mới, Đà Nẵng đã phối hợp với tư vấn Singapore xây dựng Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030. Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung lần này có ý tưởng đột phá về mặt tổ chức không gian đô thị, phân khu chức năng rõ nét, định hướng và phân kỳ theo các giai đoạn phát triển phù hợp của Đà Nẵng, được chia thành 3 vùng đô thị đặc trưng và 1 vùng sinh thái với 12 phân khu, tạo lập 2 vành đai kinh tế chính; điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm thành phát triển đa cực; ưu tiên tái thiết các khu đô thị cũ thành khu cao tầng và tập trung đầu tư hạ tầng tương ứng. |
Đăng cai tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC 2017; 3 năm (2018-2020) triển khai Chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” đạt nhiều kết quả nổi bật, khẳng định thương hiệu thành phố sự kiện, điểm đến đầu tư, du lịch đạt tầm cỡ quốc tế.
Thực hiện quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho sức khỏe nhân dân; chủ động triển khai “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là đợt bùng phát từ cuối tháng 7-2020 diễn ra nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình KT-XH, quốc phòng, an ninh và đời sống nhân dân trên địa bàn Đà Nẵng.
Trong bối cảnh đó, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, các địa phương bạn, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, TP Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, kịp thời, sáng tạo các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tập trung ở mức độ cao nhất; thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội; kịp thời xét nghiệm, phát hiện, truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị, xử lý triệt để các nguồn lây, không để bùng phát diện rộng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Đến cuối tháng 8-2020, Đà Nẵng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đủ năng lực vừa phòng chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, khôi phục KT-XH, đảm bảo đời sống nhân dân và giữ vững trật tự, an toàn xã hội. Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 19-5-2020, Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 3-9-2020 chỉ đạo quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch, có biện pháp chung sống an toàn với dịch, đồng thời thực hiện đồng bộ giải pháp khôi phục, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đến ngày 25-9, mọi hoạt động tại Đà Nẵng trở lại trạng thái bình thường.
Thực hiện hiệu quả các chương trình đậm tính nhân văn (thành phố “4 an”, “5 không”, “3 có”), gắn với xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới. Kế thừa và phát huy thành quả của Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, Chương trình “Thành phố 4 an” và các chính sách an sinh xã hội của Đà Nẵng trong nhiệm kỳ qua được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực, tạo động lực và nền tảng để xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.
Chỉ thị số 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về “Năm văn hóa, văn minh đô thị” được ban hành từ năm 2014 và duy trì thực hiện đến nay đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong ý thức của người dân; từng bước xây dựng bản sắc văn hóa thân thiện, nếp sống văn minh đô thị của người Đà Nẵng. Đời sống văn hóa ở cơ sở, môi trường văn hóa có chuyển biến tích cực; các quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh ngày càng thâm nhập sâu vào ý thức mỗi người dân.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn huyện Hòa Vang đã cơ bản hoàn thành với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 2010-2020 hơn 4.600 tỷ đồng. Hòa Vang đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo Quyết định số 2513/QĐ-TTg ngày 31-12-2015 của Thủ tướng Chính phủ và đang đề nghị xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Quốc phòng - an ninh được giữ vững; triển khai hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Đà Nẵng, tạo sự an tâm, an toàn cho người dân và du khách.
Tạo đà cho nhiệm kỳ mới
Nhìn lại nhiệm kỳ qua, có thể nói đây là nhiệm kỳ có nhiều biến động và giàu cảm xúc đối với Đảng bộ TP Đà Nẵng. Trong bối cảnh TP Đà Nẵng đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức, nhất là, vừa phải tập trung khắc phục, xử lý những sai phạm, vi phạm theo các kết luận của Trung ương và những bất cập trong quá trình phát triển; đồng thời cũng vừa tập trung phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhưng, với bản lĩnh chính trị, truyền thống quê hương anh hùng cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng đã một lòng đoàn kết, đồng thuận, từng bước tháo gỡ khó khăn, vượt qua thử thách, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên một nhiệm kỳ nhiều dấu ấn.
Điển hình là công tác cán bộ đã dần đi vào nền nếp, thực hiện đảm bảo đúng quy trình, chất lượng nhân sự, khắc phục được tình trạng bị động, hụt hẫng, thiếu tính kế thừa trong chuyển giao giữa các thế hệ lãnh đạo, quản lý cấp TP Đà Nẵng, nhất là đến nay, việc chuẩn bị tốt, chặt chẽ các khâu cho Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ TP Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2020-2025, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao, đảm bảo các điều kiện chuyển giao cho nhiệm kỳ sau.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị hành trang, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài TP Đà Nẵng, thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030; tiếp tục chỉ đạo rà soát các dự án công trình động lực, trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025 để cân đối nguồn vốn đầu tư triển khai thực hiện, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Nhiệm kỳ 2015-2020 cũng là nhiệm kỳ có sự chuyển tiếp trong việc thực hiện 2 văn kiện quan trọng, mang tính lịch sử của Trung ương dành cho Đà Nẵng, đó là Nghị quyết số 33-NQ/TW và Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Đà Nẵng, với việc Bộ Chính trị tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Kết hợp Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây sẽ là những công cụ, hành trang quan trọng để TP Đà Nẵng bước vào nhiệm kỳ 2020-2025 hứa hẹn nhiều kỳ vọng và thành công. |
Trước thềm Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025, tôi tin tưởng rằng toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng sẽ phát huy hơn nữa tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, đồng thuận, đồng tâm nhất trí, chung sức đồng lòng, chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP Đà Nẵng, đưa TP Đà Nẵng của chúng ta vững vàng phát triển nhanh, mạnh hơn, vững chắc hơn theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ chính trị (khóa XII).