Đầu tư hàng trăm tỷ đồng vẫn dang dở
Đã gần 15 năm kể từ lúc khởi công, dự án (DA) cải tạo rạch Suối Nhum đến nay vẫn chưa hoàn thành, đoạn qua Đại học Quốc gia TPHCM (nằm giữa phường Linh Xuân - TP Thủ Đức và cư xá Đại học Quốc gia thuộc địa bàn TP Dĩ An, Bình Dương) vẫn “án binh bất động”.
Ông Nguyễn Viết Hiên, chủ khu đất sát bên rạch Suối Nhum (phường Linh Xuân, TP Thủ Đức) than thở, nước rạch Suối Nhum bây giờ chủ yếu là nước thải công nghiệp từ các nhà máy nên rất độc. Những hôm mưa lớn, nước từ con rạch dâng lên tràn vào vườn làm cây cối, rau màu hư hỏng hết. Nước rạch ô nhiễm còn ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của hàng ngàn sinh viên trong ký túc xá.
Theo những người dân ở đây, tình trạng ô nhiễm rạch Suối Nhum mỗi năm càng nặng hơn. Người dân, cán bộ cơ sở nhiều lần có ý kiến với cấp trên sớm thúc đẩy đầu tư cải tạo con rạch nhưng công trình vẫn giậm chân tại chỗ.
Để hạn chế tình trạng ô nhiễm và tạo cảnh quan môi trường 2 bên rạch Suối Nhum, chính quyền TPHCM và tỉnh Bình Dương đã nhiều lần họp bàn, thống nhất đầu tư DA cải tạo hệ thống rạch Suối Nhum. Năm 2007, DA tiêu thoát nước Suối Nhum do Công ty Quản lý kỹ thuật dịch vụ thủy lợi (Sở NN-PTTN TPHCM) làm chủ đầu tư, được khởi công với tổng kinh phí 237 tỷ đồng, gồm các hạng mục bê tông hóa con rạch cùng các công trình phụ trợ.
Tại Bình Dương, DA hệ thống thoát nước Dĩ An và Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp cũng được triển khai nhằm cải tạo rạch Suối Nhum do Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp phát triển nông thôn (UBND tỉnh Bình Dương) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, các đơn vị mới tổ chức thi công bằng bê tông cốt thép hóa hệ thống kênh rạch và chỉ hoàn thành kênh T5A, T6, Suối Nhum đoạn từ K0-K1+400.
Cần cơ chế phối hợp có trách nhiệm
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Bùi Kim Luân, Phó Giám đốc Công ty Quản lý kỹ thuật dịch vụ thủy lợi cho biết, cơ quan chức năng của 2 địa phương đã có nhiều buổi làm việc về DA cải tạo rạch Suối Nhum. “Đơn vị đã thi công kênh trục dài 6,2km và các hạng mục liên quan như 67 cống thu nước vào kênh trục, 5 cống và 1 cầu, nhà quản lý... Đoạn rạch còn lại nằm giữa TPHCM và Bình Dương do Bình Dương đầu tư, thi công nên đơn vị không nắm được tiến độ”, ông Bùi Kim Luân cho biết.
Còn theo thông tin từ Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp phát triển nông thôn (UBND tỉnh Bình Dương), hiện chủ đầu tư đang phối hợp với UBND TP Thủ Đức (TPHCM), Đại học Quốc gia TPHCM để giải quyết các tồn tại về giải phóng mặt bằng, sau đó mới triển khai thi công cải tạo rạch Suối Nhum đoạn qua Đại học Quốc gia TPHCM.
Luật sư Đoàn Quang Xuân (Đoàn Luật sư TPHCM), cho rằng theo quy định pháp luật hiện hành, mỗi tỉnh, thành là đơn vị hành chính độc lập, ngang hàng. Vì thế, việc phối kết hợp giữa các tỉnh thành với nhau còn gặp nhiều trở ngại, chủ yếu tùy thuộc vào sự năng động của cán bộ từng địa phương. Trong xu thế hội nhập, liên kết vùng như hiện nay, Nhà nước cần xây dựng hệ thống văn bản luật điều chỉnh mối quan hệ giữa các địa phương với nhau, các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm để có hành lang pháp lý, cơ sở hợp tác cùng phát triển.
“TPHCM nằm giữa các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An nên việc nối kết các công trình hạ tầng giao thông, điện nước là điều tất yếu. Không riêng DA cải tạo rạch Suối Nhum mà nhiều DA lớn khác đang được triển khai nên việc liên kết, phối hợp là tất yếu. Nhưng thực tế từ việc phối hợp thực hiện DA cải tại rạch Suối Nhum cho thấy sự nối kết chưa nhuần nhuyễn. Do đó, cần cơ chế phối hợp có trách nhiệm”, luật sư Đoàn Quang Xuân nhấn mạnh.
Suối Nhum là hệ thống rạch lớn có chức năng tiêu thoát nước mưa, nước thải cho TPHCM và tỉnh Bình Dương, trong đó 4.080ha thuộc TP Thủ Đức (TPHCM), 1.400ha thuộc TP Dĩ An (Bình Dương). Trong những năm qua, với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh, nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp được mở ra, thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nên một lượng nước thải công nghiệp rất lớn xả xuống rạch Suối Nhum. Vì vậy, nhiều năm nay, nước trên hệ thống rạch Suối Nhum không còn xanh sạch như trước mà chuyển màu, ô nhiễm nặng, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của hàng ngàn gia đình sinh sống dọc 2 bên con rạch. |