Chưa bao giờ nhân sự ngành chứng khoán “sốt” và thiếu như hiện nay. Ngày càng có nhiều công ty chứng khoán ra đời hút thêm lượng nhân viên khá lớn. Để cạnh tranh, khi một công ty chứng khoán mới ra đời thường “dụ” người từ các công ty chứng khoán khác về làm việc, sinh ra tình trạng “nhảy sàn” của nhân viên và kéo theo nhiều chuyện ít người biết.
1. Cuối tuần trước, tôi bất ngờ nhận điện thoại của Linh thông báo là đã về sàn T rồi, không còn làm ở sàn S nữa. Tôi hỏi sao nhanh quá vậy, tuần trước còn gặp mặt nhau ở sàn S mà? Giọng Linh vẫn nũng nịu trong điện thoại: “Chuyện đó dài dòng em sẽ nói sau. Anh chuyển qua sàn em chơi nghe anh. Bên em mới mở, hiện đại lắm. Em qua đây làm trưởng phòng quan hệ khách hàng. Anh cần gì em cũng chiều. Theo em nghe anh!”. Cái giọng ngọt như mía lùi của Linh làm tôi khó lòng từ chối, đành phải hẹn: “Ừ để anh xem, có gì báo em sau”.
Bây giờ, nhiều nhà đầu tư không mấy ngạc nhiên khi thấy một nhân viên trước đây chỉ là nhân viên môi giới hay tư vấn khách hàng bình thường, bỗng dưng khi nhảy qua sàn khác lên làm phó, trưởng phòng. Rồi những người mới sau Tết làm phó hay trưởng phòng, bây giờ qua sàn chứng khoán khác lên chức phó tổng. Vì sao có tình trạng này?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi một công ty chứng khoán mới ra đời, để cạnh tranh, họ thường “dụ” những người đã từng làm tại các công ty chứng khoán trước đó về sẽ cất nhắc lên cấp quản lý, được trả lương cao. Bù lại, công ty chứng khoán được 2 cái lợi trước mắt: Thu hút người có kinh nghiệm và thêm một lượng khách hàng “trung thành” với những nhân viên này về với sàn mình.
2. Trong một cuộc hội thảo về phát triển thị trường chứng khoán diễn ra mới đây tại TPHCM, vị tổng giám đốc một công ty chứng khoán làm mọi người cười ồ lên khi nói: “Mở công ty chứng khoán không sợ thiếu tiền mà sợ thiếu người có chuyên môn, nghiệp vụ. Khi một công ty chứng khoán khác ra đời thì y như rằng các công ty chứng khoán cũ chắc chắn sẽ bị mất nhân viên, vì công ty ấy tung ra nhiều cú “chiêu quân” khá hấp dẫn. Đặc biệt nhân viên nữ mà đẹp, chân dài thì coi như rất dễ mất!”.
Thật ra, câu nói người đẹp, chân dài của vị tổng giám đốc trên chỉ là câu nói đùa cho buổi hội thảo bớt căng thẳng nhưng đó lại là câu chuyện có thật. Những nhân viên đẹp, quan hệ khéo léo, có trình độ, tạo cảm tình tốt với NĐT thì chắc chắn sẽ có nhiều khách hàng “ruột” của mình (không ít nhân viên ở sàn cố gắng có thật nhiều khách hàng thân thiết để còn được nhận quà cáp). Và khi những người đẹp này ra đi thì tự dưng khách hàng cũng cuốn gói đi theo. Có trường hợp nhân viên đẹp, dễ có cơ hội gặp các đại gia chứng khoán, mà khi đã “lọt” vào mắt của đại gia rồi, nhất là đại gia chưa vợ thì sớm muộn gì cũng được “rước về dinh”!
3. Có câu chuyện thật 100% cũng vì nhà đầu tư “mến mến, thương thương” nhân viên mà sẵn sàng “theo chân” khi nhân viên ấy chuyển sàn. Anh Đức – một NĐT cũng là bạn của người viết bài này, từ đầu năm tới nay làm thủ tục chuyển qua 3 sàn. Hồi đầu anh chơi ở sàn S, sau đó chuyển qua sàn T vì bảo rằng ở đây điều kiện tốt, được ngồi phòng VIP, có giao dịch trực tuyến,… bây giờ lại chuyển qua sàn D. Tôi hỏi sàn D có gì? Anh nói sàn D tốt hơn sàn T. Tôi bảo cũng chính anh mới đây nói sàn T tốt, bây giờ lại chê.
Anh chẳng nói gì chỉ cười. Nhưng theo “điều tra” của tôi thì anh ta theo Ngân – nhân viên môi giới của sàn T có dáng cao như người mẫu và đôi mắt đẹp “chết người” cũng vừa chuyển qua sàn D. Cuối cùng anh Đức cũng thú thật: “Mến nhau thì theo, đơn giản vậy thôi”. Nhưng sau đó, ngoài anh Đức, tôi biết có vài khách hàng cũng theo Ngân “về bên ấy” (sàn D).
Thật ra, có nhiều nhà đầu tư đi theo không phải vì nhân viên đẹp, vì tình cảm nhưng vì công việc kinh doanh, nhất là kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, nên cần “người quen”, nhân viên “ruột” để an tâm, để được tư vấn, nhờ vả, thậm chí được “xì” thông tin “nội bộ” để dự đoán, có hướng đầu tư.
TẤN NGUYỄN