Tết là say “sấp mặt”
Thống kê của Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), dịp tết 2023 vừa qua, trung tâm đã tiếp nhận khoảng 30 trường hợp ngộ độc, trong đó có một số trường hợp ngộ độc rượu cấp tính, hàm lượng rượu trong máu cao gấp nhiều lần cho phép.
Câu chuyện này hẳn không chỉ riêng ở Hà Nội, với một bộ phận bạn trẻ, những ngày tết chỉ có hơi men. Vũ Văn Quân (29 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) kể: “Công việc của tôi, lương thưởng cũng không đến nỗi nào, quà cáp về quê, hay lì xì cho tụi nhỏ thì khỏe re, nhưng ngán nhất là... nhậu. Lâu lâu, bà con họ hàng mới gặp nhau dịp tết, không uống với mọi người một ly cũng ngại, mà có ly thứ nhất rồi thì tới thứ hai, thứ ba…, say lúc nào không hay. Mấy bữa rồi tiệc tân niên ở công ty và đối tác, không từ chối được, tôi cũng say bí tỉ, hôm qua phải mua thuốc đau bao tử vì mấy ngày liền chỉ uống chứ có ăn được bao nhiêu”.
“Chơi lớn” hơn trường hợp của Văn Quân, sau tiệc tất niên say quên đường về, Đặng Minh Ân (30 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) về quê nghỉ tết và xin nghỉ phép hẳn 1 tuần sau tết. Minh Ân giải thích: “Rút kinh nghiệm sâu sắc từ mấy năm trước, năm nào tân niên cũng nhậu nhẹt say “sấp mặt” mới thôi nên tôi xin nghỉ phép cho lành. Tuần sau tết nhiều khu vui chơi đã bớt khách, vì ai cũng đi làm lại, lúc đó mình đi chơi thoải mái, trốn được mấy cuộc nhậu tân niên luôn”.
Làm việc ở phòng đối ngoại của công ty, không còn cách để tránh những tiệc tân niên, một phần vì công việc, một phần vì “đô” (tửu lượng) của Trần Văn Thịnh (26 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cũng được đồng nghiệp xếp vào nhóm “tiếp khách được”. Thịnh kể: “Mùng 10 tân niên với công ty, mấy anh em cứ mời qua mời lại, cả nhóm say lúc nào không hay. Xỉn quá tôi làm rơi mất đồng hồ đeo tay lúc nào cũng không biết, mới đầu năm đã mất của chỉ vì nhậu xỉn”.
Nhậu cũng cần có “luật”
“Vào ba ra bảy” hay “Tiên chủ hậu khách” có lẽ đã quá quen thuộc trên bàn nhậu, tuy nhiên việc nâng ly cũng có “luật” riêng mà theo nhiều bạn trẻ gen Z, bản lĩnh đôi khi là việc biết từ chối. Làm công việc khai thác quảng cáo, đòi hỏi phải ngoại giao nhiều, biết uống cũng là một năng lực cần thiết, tuy nhiên Hà Thanh (24 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) thẳng thắn: “Ngay từ khi tốt nghiệp đi làm tôi đã xác định rất rõ, làm tốt công việc và sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu có sai sót. Còn việc ngoại giao với khách hàng, tôi không từ chối nhưng chỉ trong khả năng của mình, không vì ai hay bất kỳ điều gì mà phải uống say, điều này rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Và cũng chính vì nguyên tắc này của mình, tôi đã chuyển việc, vì ở công ty trước, chuyện biết nhậu để tiếp khách như một luật bất thành văn”.
Làm công việc tự do và quản lý quỹ đầu tư cho một nhóm doanh nhân nước ngoài, những cuộc họp đột xuất, tiệc tiếp khách liên miên đã không còn xa lạ gì với Trần Thị Thủy Tiên (28 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM). Thủy Tiên chia sẻ: “Đô của tôi cũng tiếp khách khá tốt, nhưng tôi chọn cách từ chối. Những tiệc vui thì mình cũng nâng ly vừa chừng, không để bản thân phải say “sấp mặt”, hay ói tới mật xanh, mật đỏ. Và đối tác cũng vậy, mời rượu và ép uống là hai chuyện khác nhau, nếu ai đó ép mình phải uống, tôi sẵn sàng từ chối, điều đó là không lịch sự”.
Cuộc sống hiện đại cũng có không ít những áp lực vô hình trong hành trình trưởng thành Việc nhậu để tiếp khách, nhậu để có thêm đối tác, hợp đồng… dường như không phải là câu chuyện mới lạ. Nhất là những ngày sau tết, tiệc tân niên luôn là lý do để không ít người cho phép mình say để đẹp lòng đôi bên, tuy nhiên hậu quả phải trả giá bằng sức khỏe.
Lựa chọn nâng ly hay từ chối cũng là một phần bản lĩnh của bạn trẻ, và mời rượu hay ép nhau cũng là phép lịch sự cần nhìn nhận rõ ràng trong thời buổi hiện nay.