Ngày 14-3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự họp.
Thiếu tướng Lưu Quang Vụ, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) |
Thay mặt Ban soạn thảo trình bày tờ trình Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Thiếu tướng Lưu Quang Vụ, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) cho biết, ngày 19-5-1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, đặt ra yêu cầu xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Dự thảo gồm 6 chương, 33 điều được xây dựng trên cơ sở các nhóm chính sách bao gồm: hoàn thiện quy định về nội dung quản lý, xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự; chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự và chế độ, chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn, khu vực phạm vi bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Đại diện ban soạn thảo dự họp |
Báo cáo thẩm tra sơ bộ Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
“Công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Việc ban hành Luật trên cơ sở Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có bổ sung nội dung về quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết, nhằm tiếp tục cụ thể hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, quân sự, quốc phòng”, ông Thuận nêu rõ.
Tuy nhiên, Thường trực Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ các căn cứ về chính trị, pháp lý, thực tiễn về sự cần thiết phải ban hành Luật; xác định cụ thể, rõ ràng các nội dung nào chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột với pháp luật khác và đề xuất phương án xử lý.
Cơ bản tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật, song các ý kiến tại phiên họp lưu ý, dự thảo Luật này có nội dung liên quan đến Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Viễn thông. Hiện nay việc sửa đổi toàn diện 3 luật này đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023). Do đó đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần phối hợp với cơ quan soạn thảo của 3 dự án luật nêu trên để tiếp tục rà soát, bảo đảm tính thống nhất giữa các dự án luật trình Quốc hội.
Trên cơ sở ý kiến của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các đại biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các bên liên quan cần nghiên cứu đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện Dự án Luật, đặc biệt là báo cáo tác động của các chính sách. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là luật chuyên ngành đặc thù, có yếu tố bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự quốc gia, do đó cân nhắc kỹ những vấn đề nào có thể công khai thì luật hóa cụ thể, tránh tình trạng luật khung, luật ống.
Theo chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6.