Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, việc xây dựng Nghị định nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng tại Kết luận số 07-KL/TW của Bộ Chính trị, chính sách của Nhà nước, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với thành phố Cần Thơ (tương tự các thành phố mang tính chất trung tâm kinh tế vùng như Đà Nẵng và Hải Phòng).
“Cơ chế này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững về kinh tế - xã hội của Cần Thơ với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ của vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020; tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long”, người đứng đầu ngành Tài chính phát biểu.
Theo đó, Chính phủ xin ý kiến UBTVQH về 3 nội dung quan trọng. Về mức dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết định (khoản 1 Điều 3 dự thảo Nghị định). Từ năm ngân sách 2017, theo quy định hiện hành, mức dư nợ vay của thành phố Cần Thơ không vượt quá 30% thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; mức dư nợ vay của thành phố Hà Nội, TPHCM không vượt quá 60%.
Nội dung thứ 2 được đề xuất UBTVQH cho ý kiến là ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho Thành phố 70% số tăng thu so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13) và các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100% (Khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị định).
Đồng thời, trên cơ sở nhận định Thành phố Cần Thơ là một trong những địa phương có nhu cầu đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ trình UBTVQH bổ sung quy định cho phép Ủy ban nhân dân Thành phố được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính Thành phố để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng.