Trong buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết đồng ý để đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII thôi giữ chức Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII. Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII; bầu đồng chí Hoàng Văn Trà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Phú Yên giữ chức Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.
Cùng với đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung Ủy viên Ban Bí thư khóa XII gồm các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trần Cẩm Tú, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.
Cũng trong buổi sáng, Trung ương đã xem xét và quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại hội trường để thảo luận về đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.
Đầu giờ làm việc buổi chiều, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp tại tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã báo cáo làm rõ thêm những điểm mới nổi bật của Đề án cải cách chính sách tiền lương lần này.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Đề án cải cách chính sách tiền lương đã được nghiên cứu xây dựng độc lập tương đối và tương quan hợp lý với Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó tách rõ khu vực công và khu vực doanh nghiệp.
Bộ trưởng phân tích, làm rõ 5 quan điểm, các mục tiêu, nhiệm vụ chính và các giải pháp mang tính đột phá để thực hiện đề án. Trong đó Bộ trưởng nhấn mạnh, cần quyết liệt thực hiện các giải pháp về tài chính, ngân sách; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, coi đây là nhiệm vụ đột phá, tiên quyết, để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Đồng thời, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cải cách chính sách tiền lương; tích cực xây dựng vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội trong thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí Ủy viên Trung ương bày tỏ nhất trí cao với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương được xác định trong đề án; nhất trí cao việc ban hành nghị quyết của Trung ương về vấn đề này.
Các ý kiến phát biểu đánh giá cao việc chuẩn bị Đề án Cải cách chính sách tiền lương công phu, kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, khách quan, các giải pháp có tính khả thi cao. Đề án đã xác định mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của việc cải cách chính sách tiền lương trong từng giai đoạn: 2018 - 2020; 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đối với khu vực công và khu vực doanh nghiệp. Đa số đại biểu nhấn mạnh chính sách tiền lương là một bộ phận quan trọng, có quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách.