Phim tư nhân lên ngôi
Với trên 10 ý kiến, tham luận, Hội thảo đã nêu lên những thực tại của nền điện ảnh Việt Nam, nhất là trong quá trình hội nhập và hợp tác sâu rộng như hiện nay. Trong đó, vấn đề được không ít đại biểu, nhà nghiên cứu, biên kịch, phê bình… quan tâm, chính là ngày càng ít xuất hiện phim truyền thống từ các hãng phim nhà nước. Đáng lo ngại hơn, khi lần đầu tiên tại một kỳ LHP Việt Nam, 2 hãng phim nhà nước là Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải phóng không có tác phẩm tham dự. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn ngân sách nhà nước eo hẹp, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất của ngành điện ảnh.
Sự lên ngôi của phim tư nhân bên cạnh mặt tích cực là xã hội hóa điện ảnh đã trở thành xu hướng đúng đắn, phù hợp với xu thế của điện ảnh thế giới; là số lượng phim được sản xuất tăng cao hàng năm (từ 5-10 phim lên 35-40 phim/năm); thể hiện sự quan tâm của các nhà sản xuất tư nhân đến ngành điện ảnh, giúp nhiều đạo diễn, diễn viên trẻ có cơ hội thử sức và khẳng định được tay nghề, vị trí của mình trong ngành điện ảnh; thì theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, việc các hãng phim tư nhân sản xuất và cho ra đời ồ ạt tác phẩm nếu không quan tâm sâu đến chất lượng nghệ thuật cũng rất nguy hại.
“Hiện tượng nhà nhà làm phim, người người làm phim chúng ta chỉ nên mừng một nửa. Vì có một số ít người chưa am tường về điện ảnh, non yếu về tay nghề, nông cạn về ý tưởng, hời hợt giản đơn vô lý, thiếu logic về kết cấu câu chuyện; chưa kể, một số phim không tiếp cận được cái mới mẻ, chỉ loanh quanh với các đề tài hài, ma, hành động, tình yêu tay ba éo le… nhằm thỏa mãn thị hiếu một số bộ phận khán giả để nhanh thu hồi vốn. Cần có những dòng phim chủ đạo, nhằm tôn trọng, gìn giữ và tạo điều kiện cho dòng phim này tiếp tục phát triển, đừng để những bộ phim truyền thống của nước ta mai một”, bà Ngát lo lắng.
Phim Việt lai căng
Ngày càng có nhiều phim thuộc các hãng phim tư nhân hay hợp tác với bên ngoài đang trở thành xu hướng của điện ảnh trong nước. Vấn đề đặt ra chính là hợp tác nhưng phải đảm bảo giữ được các yếu tố mang tính bản sắc, văn hóa dân tộc.
Theo nhà văn, nhà phê bình điện ảnh Tô Hoàng, Chính phủ Hàn Quốc có hẳn chính sách về điện ảnh, nên họ có sự giữ gìn và quảng bá văn hóa rất lớn. Phim Việt Nam dù có những bước chuyển mạnh mẽ, phù hợp với nền kinh tế thị trường nhưng không phải vì thế mà đánh mất bản sắc điện ảnh dân tộc. “Khi nước ngoài tìm hiểu về những gương mặt đích thực của nền điện ảnh dân tộc thì chúng ta cũng phải lấy những tác phẩm Đời cát, Thương nhớ đồng quê... ra chiếu, vì đó là niềm tự hào của dân tộc, là bản sắc văn hóa riêng biệt của Việt Nam, chứ không thể lấy phim thương mại ra chiếu”, ông Tô Hoàng phân tích.
Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long bày tỏ sự quan ngại khi cho rằng, quá trình hợp tác giữa nhà làm phim trong nước và đối tác nước ngoài cần phải được xem xét cẩn trọng về nội dung và kịch bản trước khi sản xuất, tránh mang đến cho khán giả cái nhìn phiến diện và sai sự thật, nhất là về văn hóa, lịch sử dân tộc “Trong phim Tuổi thanh xuân, phối hợp với đối tác Hàn Quốc, khi quay cảnh một nhà hàng tại Đà Nẵng nhưng từ rượu đến thức ăn toàn của Hàn Quốc, đây là điều các nhà sản xuất phim Việt Nam nên để ý khi hợp tác, nếu chúng ta không muốn đánh mất bản sắc của dân tộc trước đối tác. Riêng phim Người cộng sự (hợp tác với Nhật Bản), thể hiện hình ảnh cụ Phan Bội Châu không hề đúng và trung thực với lịch sử. Vì sao chúng ta chịu hợp tác để làm một bộ phim không trung thực như vậy? Tôi tin rằng, nếu ta có sự góp ý với biên kịch người Nhật, bạn sẽ hiểu ngay. Nhưng chúng ta lại thiếu cẩn trọng, chấp nhận làm một bộ phim như thế. Đó chính là sự bất bình đẳng”, nhà báo Ngũ Long nói.
Không phủ nhận, phim truyện Việt Nam đang đứng trước trào lưu, cơ hội mới khi được tiếp cận với nền điện ảnh, văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng việc tiếp nhận phải trải qua quá trình thẩm thấu, không thể hời hợt. Trong một số bộ phim Việt, người xem bỗng thấy ngôi nhà Việt không còn như xưa, nhân vật trong phim tiếp bạn bè mà ngồi bệt như Hàn Quốc, trang phục cũng theo thời trang Hàn Quốc và cốt truyện phim cũng theo Hàn Quốc. May mà mâm cơm còn giữ được thức ăn truyền thống, nếu không phim Việt Nam thành phim Hàn Quốc. Tại sao phim Việt Nam lại đi vay mượn kịch bản của nước khác để làm phim, trong khi chất lượng và đề tài của nước ta thì không thiếu.
Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân trên là do các nhà sản xuất trong nước tôn sùng kịch bản nước ngoài, tiếp nhận văn hóa một chiều; thể hiện tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng kịch bản đạt yêu cầu, phù hợp với thị trường. Về lâu dài, điều đó sẽ mang đến những bất lợi cho điện ảnh Việt Nam nếu duy trì xu hướng này như một giải pháp.
Tuy nhiên, theo diễn viên, đạo diễn Ngô Thanh Vân, việc cho ra đời những tác phẩm có giá trị văn hóa cao không phải không được các nhà sản xuất phim Việt quan tâm. Đơn cử, phim Tấm cám chuyện chưa kể, đó là một kho tàng cổ tích, phong phú về văn hóa Việt. Hay Cô Ba Sài Gòn ngợi ca tà áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Dù thế, các nhà sản xuất phim trong nước cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài sự cạnh tranh dữ dội với yếu tố phim nước ngoài, còn là cạnh tranh về giá vé khiến doanh thu phòng vé bị ảnh hưởng; ý thức người xem chưa được cao về bản quyền...
“Các cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ để cho những dự án phim thuần Việt phát triển. Đặc biệt, có những biện pháp chế tài nghiêm khắc về bản quyền và sự cạnh tranh lành mạnh để giúp môi trường điện ảnh Việt Nam trong sạch và minh bạch hơn. Điều này sẽ góp phần giúp các nhà sản xuất phim Việt yên tâm, hướng đến một nền điện ảnh hội nhập nhưng không đánh mất bản sắc dân tộc”, đạo diễn Ngô Thanh Vân đề xuất.