4 tập đầu tiên của bộ sách có dung lượng hơn 4.000 trang khổ lớn. Điều đặc biệt là 2/3 tác giả góp mặt trong bộ sách đã không còn nữa, nhiều anh chị đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh nên đã mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) mà thân nhân của các anh, chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển giao còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Đó là những di vật thiêng liêng của gia đình.
Đánh giá về bộ sách, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng: Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương. Họ viết trong đói khát, trong bom đạn, trong chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước.