Nhật ký là viết riêng cho mình đọc nên ít khi tác giả tự xuất bản nhật ký. “Nhật ký Anne Frank” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm’’ là một ví dụ. Hồi ký thì kể chuyện cũ đời mình nên tác giả có thể xuất bản để mọi người cùng đọc và tham khảo.
Với hai loại viết kể trên yêu cầu nghiêm túc đặt ra là tác giả phải kể đúng sự thật. Riêng tự truyện là kể chuyện đời mình nhưng có thêm phần hư cấu, kiểu bộ ba tự truyện nổi tiếng “Thời thơ ấu”, “Kiếm sống” và “Những trường đại học của tôi’’ của M. Gorki hay “Thép đã tôi thế đấy’’ của N. Ostrovski.
Yêu cầu đặt ra trong tự truyện là nên tế nhị thay đổi tên họ thật nhân vật trong truyện (vì người ta còn gọi đó là tiểu thuyết). Yêu cầu đó không chỉ nhằm phòng ngừa sự việc có thể xúc phạm với người thật việc thật ngoài đời mà còn vì lòng tôn trọng, yêu mến sự thật. Vi phạm điều đó, người viết sẽ tự đánh mất mình mà cũng có thể sẽ xảy ra kiện tụng vì đã xâm phạm đến đời tư, nhân thân người khác.
Là người làm nhiều bộ phim chân dung - cả phim tài liệu và phim truyện- về người thật việc thật, tôi xin mạn phép trao đổi vài kinh nghiệm, ý kiến chủ quan:
- Người viết có thói quen - rất khó sửa chữa - là thích nói tốt về mình, yêu mình hơn yêu người khác. Hiếm có ai thích tự bêu xấu bản thân mình trước công luận nên khi viết tự truyện người viết sẽ khó tránh khỏi sự công minh, công bằng cần phải có của một nhà viết sử.
- Người viết dù muốn tuyệt đối khách quan vẫn không tránh khỏi chủ quan. Tác giả nào mà không chủ quan? Đâu phải ai cũng tránh được những nhận định ít nhiều thiên kiến về người khác, nhất là những người mình không ưa?
- Trình độ, vốn sống người viết về văn hóa, xã hội, chính trị và triết học ít nhiều có ảnh hưởng đến việc tự nhận thức bản thân và người khác. Vì thế mà có những ngộ nhận khó tránh khỏi. Cũng có khi vì quá tôn trọng sự thật - theo ý mình - mà người viết làm mích lòng người khác.
- Đôi khi nhân vật chính trong tự truyện kể chuyện đời mình cho người khác viết. Do vậy mà không thể cấm người viết – được gọi là đồng tác giả – mang những dấu ấn cá nhân vào trong trang viết: Có chuyện dở khóc dở cười sau khi tác phẩm ra đời là người kể một đàng mà người viết một nẻo theo kiểu đồng sàng dị mộng, giống như những xích mích thường diễn ra trong điện ảnh, giữa nhà biên kịch và đạo diễn.
Viết tự truyện rất khó, thậm chí quá khó. Trong tác phẩm việc gì phải để tên thật để sinh chuyện rắc rối? Trong nghệ thuật đâu cứ phải là chuyện thật hoặc giống thật thì mới hay? Cứ để hậu thế bận tâm suy đoán về nguyên mẫu nàng Kiều, Lục Vân Tiên là ai, chẳng thú vị hơn sao?
Đạo diễn LÊ VĂN DUY