Nhật ký Đặng Thùy Trâm: Những cuộc hạnh ngộ vẫn tiếp diễn

Hành trình bất ngờ và cảm động
Nhật ký Đặng Thùy Trâm: Những cuộc hạnh ngộ vẫn tiếp diễn

Cuộc gặp gỡ chân tình và cảm động giữa Frederic Whitehurst (còn gọi là Fred, người nghe theo lời của thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu giữ lại cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm) và Ted Engelmann (người đã tìm cách liên lạc với gia đình chị Thùy Trâm) cùng độc giả đã diễn ra tại hiệu sách Bookworm (Hà Nội), nhân dịp các cựu binh Mỹ này trở lại VN thăm gia đình bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Hành trình bất ngờ và cảm động

Khá nhiều độc giả Việt Nam (VN) hôm ấy đều biết chặng đường lưu lạc của cuốn nhật ký sau 35 năm mới tìm về gia đình chị Thùy (tên gọi thân mật của Đặng Thùy Trâm trong gia đình để phân biệt với ba cô em gái đều tên Trâm). Nhưng với rất nhiều độc giả nước ngoài, những người lần đầu cầm trên tay cuốn sách, thì đó vẫn là câu chuyện mới mẻ.

Nhật ký Đặng Thùy Trâm: Những cuộc hạnh ngộ vẫn tiếp diễn ảnh 1

Fred trò chuyện với độc giả tại Bookworm.

Năm 1969, Federic là sĩ quan quân báo Mỹ thuộc FBI (Cục Điều tra liên bang Mỹ) tham chiến ở chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi.

Trong một trận tập kích vào bệnh xá nơi chị Thùy phụ trách (trước đó, chị và các đồng đội đã đưa thương binh đi khỏi), Fred cùng với thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu khi chọn lọc các tài liệu có giá trị quân sự để lưu giữ, số còn lại  thiêu hủy, thì thượng sĩ Nguyễn Trung Hiếu đưa đến một cuốn sổ và nói: “Fred, đừng đốt cuốn sổ này. Bản thân trong nó đã có lửa rồi”. Mặc dù không hiểu cuốn sổ ghi chép nội dung gì, nhưng vẻ xúc động của Nguyễn Trung Hiếu khiến Fred bỏ cuốn sổ vào túi.

Rồi nhiều đêm, Nguyễn Trung Hiếu đọc cho Fred nghe cuốn nhật ký. Mấy tháng sau, Fred nhận được cuốn nhật ký thứ hai, cũng của chị Thùy, do Nguyễn Trung Hiếu đem về. Những dòng nhật ký của Thùy đưa Fred đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

“Tâm hồn và tấm lòng của người bác sĩ trẻ hết lòng vì bệnh nhân, tận tụy với công việc và đầy khát vọng hòa bình dù chiến tranh vẫn diễn ra tàn khốc từng ngày đã lay động tâm hồn tôi” - Fred xúc động nói.

Năm 1972, Fred về Mỹ mang theo hai cuốn nhật ký cùng hơn 50 tấm ảnh chụp những người dân Quảng Ngãi... Anh trai Fred là Robert Whitehurst từng đi lính ở chiến trường vùng đồng bằng sông Cửu Long suốt 2 năm, lấy vợ người Long Xuyên, đã đọc hai cuốn nhật ký này rất nhiều lần.

Qua bản dịch tiếng Anh của Robert, Fred cũng bị ám ảnh bởi những địa danh, những con người mà chị Thùy kể trong cuốn nhật ký. Cuốn nhật ký thôi thúc họ luôn muốn khám phá về đất nước của VN nhiều hơn nữa.

Về bản dịch tiếng Anh Last Night I Dreamed of Peace (Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình) của Andrew Pham được xuất bản ở Mỹ, Fred nói, nhiều bạn đọc ở Mỹ đón nhận cuốn sách và họ sẻ chia tình cảm với anh khiến anh rất hạnh phúc. Anh cho rằng, giá trị cuốn nhật ký đã vượt khỏi biên giới của một quốc gia.

Sẽ đưa bản gốc cuốn nhật ký về VN

Bên lề cuộc trò chuyện, Fred vui vẻ kể về những ngày tham gia vai quan tòa trong bộ phim Đừng đốt, trong đó đã có lửa (Hãng phim Hội Điện ảnh) khi bộ phim này quay những cảnh đầu tiên tại Mỹ. “Trong phim có nhân vật của tôi lúc trẻ và về già do các diễn viên Mỹ thủ vai. Tôi thật sự xúc động khi xem những cảnh quay này. Vai diễn của tôi tuy ngắn ngủi nhưng tôi rất thích. Đạo diễn Đặng Nhật Minh có lẽ vì ưu ái tôi mà dành cho tôi vai diễn. Tôi hy vọng được chính thức xem bộ phim này trong một ngày gần nhất” - Fred nói.

Được đạo diễn Đặng Nhật Minh cho xem bản nháp bộ phim, Fred thổ lộ: “Những hình ảnh chân thật gây cho chúng tôi nhiều xúc động. Đặc biệt, cảnh chiến tranh được tái hiện khốc liệt và những khó khăn, gian khổ mà chị Thùy cùng đồng đội và bà con Đức Phổ phải đối mặt ngày ấy được khắc họa rõ nét. Diễn viên vào vai chị Thùy bằng cảm xúc rất thật. Tôi nghĩ, khó ai có thể làm bộ phim này một cách thuyết phục hơn đạo diễn Đặng Nhật Minh. Nhưng hãy nghĩ kỹ xem có nên cho mẹ (bà Doãn Ngọc Trâm – PV) xem phim hay không. Có những cảnh chiến tranh dữ dội quá, sợ mẹ không xem nổi”.

Chị Đặng Kim Trâm - em gái chị Thùy, cho biết, chị rất cảm động khi Fred bày tỏ lo lắng cho mẹ.

Trả lời câu hỏi: Khi nào gia đình sẽ đem bản gốc hai cuốn nhật ký của chị Thùy về VN và việc này có gặp khó khăn nào không? Chị Kim Trâm nói: “Chúng tôi nhất định sẽ đưa những kỷ vật quý giá đó về VN và không có gì cản trở cả. Gia đình muốn để ở TTVN một thời gian nữa vì ở đó điều kiện bảo quản tốt. Cũng có những người nước ngoài không tin cuốn nhật ký là có thật vì gần đây có nhiều “scandal” về nhật ký giả. Việc để cuốn nhật ký gốc ở đó có tính thuyết phục cao hơn”.

Chị cho biết thêm, gia đình còn lưu giữ nhiều bức thư của chị Thùy gửi về cho mẹ trong những ngày chiến tranh ác liệt ấy. Một số thư đã bị thất lạc do nhiều lần chuyển nhà. “Từ nay chúng tôi sẽ giữ cẩn thận những kỷ vật thiêng liêng ấy của chị Thùy”, chị Kim Trâm quả quyết.

Câu chuyện về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký đã trở thành huyền thoại có tầm ảnh hưởng lớn lao đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Những cuộc hạnh ngộ sau ngần ấy năm vẫn tiếp diễn khiến cho huyền thoại càng mãi lung linh vẻ đẹp sáng ngời của tâm hồn và nhân cách Đặng Thùy Trâm.

Hoàng Thắng

Tin cùng chuyên mục