"Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết/Tứ nguyệt tam vương thậm bất tường” của ai viết?

"Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết/Tứ nguyệt tam vương thậm bất tường” của ai viết?

"Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết/Tứ nguyệt tam vương thậm bất tường” của ai viết? ảnh 1

Nguyễn Văn Tường

Hỏi: Hai câu: "Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết
Tứ nguyệt tam vương thậm bất tường”của ai viết và có nghĩa gì?

Nguyễn Phương Trung (đường Trần Phú, TP Đà Nẵng)

Tương truyền, tác giả hai câu trên là Ông Ích Khiêm (1832-1884) người làng Phong Lệ, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, đỗ cử nhân khi mới 15 tuổi, là một vị tướng có tài (từng làm Tiểu phỉ sứ, Tán lí quân thứ Tuyên Quang), tước Kiên Dũng Nam.

Sau khi vua Tự Đức qua đời (19-7-1883), Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường làm nhiều điều lộng quyền. Ông Ích Khiêm là một trong số rất ít người dám lên tiếng phê phán nên bị hai viên đại thần đó bắt giam. Ông làm hai câu thơ trên khi ở trong ngục, có nghĩa: hai nước mà chỉ có một con sông thì khó phân; chỉ bốn tháng mà có tới ba vua thì rất không tốt lành.

Lúc đó, kinh thành Huế của triều đình Đại Nam nằm bên bờ trái sông Hương, còn tòa Khâm sứ của Pháp đóng ở bờ phải, một con sông ngăn đôi hai cơ quan cao nhất của hai nước Pháp-Việt. Sau khi vua Tự Đức chết, con nuôi là Ưng Chân lên ngôi, tức vua Dục Đức, nhưng chỉ ba ngày sau, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường truất phế vua và giam vua vào ngục, đưa Hồng Dật (em vua Tự Đức) lên ngôi, tức vua Hiệp Hòa. Bốn tháng sau, 29-11-1883, Thuyết và Tường lại lật đổ vua này, bắt phải uống thuốc độc tự tử. Như thế, từ 19-7 đến ngày 29-11-1883, có tới 3 vua: Tự Đức - Dục Đức - Hiệp Hòa.

Cũng xin lưu ý cách chơi chữ: hai từ cuối cùng của hai câu là tên của hai vị phụ chính Thuyết và Tường.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục