Chuyến đi của ông Abe diễn ra trong bối cảnh nhiều vụ tấn công tàu chở dầu xảy ra tại vùng Vịnh, trong đó có một tàu của Nhật Bản bị tấn công; Mỹ và Iran leo thang căng thẳng. Dù là đồng minh của Mỹ, nhưng Nhật Bản vẫn duy trì mối quan hệ thân thiện với Iran. Nhật Bản đã chọn cách triển khai hoạt động của riêng nước này, thay vì tham gia vào lực lượng liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu trong việc bảo vệ tuyến đường hàng hải ở Trung Đông. Đây cũng là chuyến công du thứ 2 đến Trung Đông của ông Shinzo Abe sau chuyến thăm Iran hồi tháng 12-2019.
Cùng lúc, hai máy bay tuần tra P-3C thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cất cánh từ căn cứ không quân Naha ở tỉnh Okinawa để hỗ trợ cho tàu thuyền Nhật Bản tại vùng Vịnh. Hai chiếc máy bay sẽ đến đồn trú tại căn cứ ở Djibouti, nước nằm ở phía Đông châu Phi. Hai máy bay sẽ bắt đầu nhiệm vụ tuần tra thu thập thông tin tình báo từ ngày 20-1 để chia sẻ thông tin với các nước. Hoạt động của 2 máy bay này được giới hạn tại vịnh Oman ở phía bắc biển Arab và vịnh Aden ngoài khơi Somalia. Lực lượng này sẽ không tuần tra ở eo biển Hormuz hay vịnh Ba Tư.
Trong khi đó, tàu khu trục Takanami của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản sẽ xuất phát đến khu vực vào ngày 2-2. Chiến dịch tuần tra sẽ kéo dài trong 1 năm, nhưng có thể được gia hạn nếu chính phủ Nhật Bản thông qua. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono trước đó ra lệnh triển khai tàu chiến, máy bay và cho biết, căng thẳng tại Trung Đông ngày càng gia tăng nên Nhật cần tăng cường các hoạt động thu thập thông tin để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền. Theo ông T. Kono, phải chuẩn bị mọi tình huống nhằm ngăn nguồn cung năng lượng bị gián đoạn.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo, Thủ tướng S. Abe đã có các cuộc hội đàm với lãnh đạo các nước Saudi Arabia, UAE và Oman, trao đổi việc xoa dịu căng thẳng và ổn định tình hình khu vực. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nhật Bản có kế hoạch tìm kiếm sự hợp tác nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và an toàn hàng hải. Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ 4 trên thế giới và quốc gia châu Á này phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung dầu mỏ ở Trung Đông với 90% lượng dầu mỏ nhập khẩu từ khu vực này.
Theo giới quan sát, động thái trên cho thấy Tokyo muốn chứng tỏ rằng họ sẵn sàng điều tàu để bảo vệ lợi ích của mình và cũng muốn xoa dịu Washington. Bên cạnh đó, Nhật Bản không muốn bị xem là chọn phe chống lại Iran vì trong nhiều năm qua, Tokyo không ngừng cố gắng vun đắp mối quan hệ tốt đẹp với Tehran. Dù liên minh các quốc gia sản xuất dầu mỏ, được gọi là OPEC+, cam kết về một thị trường ổn định bất chấp những căng thẳng địa chính trị đang gia tăng trong khu vực, nhưng tình hình Trung Đông luôn biến hóa thiên hình vạn trạng, nên việc chỉ trong không đầy 1 tháng ông S. Abe phải cất công đi 2 lượt tới đây cũng là điều dễ hiểu.