Do đặc thù địa lý và kinh tế nên Nhật Bản có bước tiếp cận trung hòa carbon khác biệt với các nước phương Tây. Vương quốc Anh, Canada, Pháp và Đức đề xuất năm 2030 là mốc thời gian để loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than, nhưng Nhật Bản đã từ chối thời hạn này. Nhật Bản yêu cầu xem khí hydro và amoniac là giải pháp carbon thấp để phát điện, tuy nhiên các nhà đàm phán châu Âu và Mỹ không đồng ý. Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các mục tiêu cụ thể sử dụng xe điện. Nhật Bản, nơi có ngành công nghiệp ô tô truyền thống phát triển mạnh, phản đối.
Các quan chức Nhật Bản đã thúc đẩy 2 kế hoạch khác nhau hướng tới một mục tiêu chung về trung hòa carbon vào năm 2050 theo mục tiêu chung của khối G7. Hai kế hoạch này do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và các nhóm ủng hộ công nghiệp trong nước chủ trương.
Thứ nhất, địa hình đồi núi, bờ biển dốc và mật độ dân số dày đặc của Nhật Bản dường như gây khó khăn cho việc mở rộng quy mô năng lượng tái tạo. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch càng trở nên gay gắt hơn sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011. Nhật Bản đã chi 1,8 ngàn tỷ USD cho việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch trong giai đoạn 2010-2022, tương đương với mức chi trung bình hàng năm hơn 3% GDP.
Thứ hai, Nhật Bản phải đảm bảo an toàn các nguồn năng lượng, bao gồm nhiên liệu hóa thạch và nhiên liệu có nguồn gốc từ hóa thạch. Chiến lược chuyển đổi năng lượng của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ các công ty năng lượng và công nghiệp mang tên Chính sách Cơ bản GX (Chuyển đổi xanh) do chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida công bố vào tháng 2-2023, đề cập đến hydro xanh, đồng đốt amoniac, khí hóa than, thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) và khí tự nhiên.
Theo các chuyên gia, Nhật Bản có nguồn năng lượng gió và mặt trời rộng lớn trong nước đủ để sản xuất toàn bộ điện năng từ gió và mặt trời ngoài khơi với giá 86-110 USD/megawatt giờ. Trên toàn cầu, điện mặt trời và điện gió đang phát triển nhanh nhất. Khoảng 400 gigawatt công suất điện mặt trời và gió mới dự kiến sẽ được bổ sung vào năm 2023 và công suất điện mặt trời được lắp đặt sẽ đạt khoảng 6 terawatt vào năm 2030. Nhật Bản cũng tuyên bố rằng, số lượng nhà máy nhiệt điện của châu Á vẫn còn ít, cho thấy việc giảm phát thải từ nhiệt điện bằng đồng đốt amoniac và CCS là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng của khu vực.
Quan trọng nhất, chính phủ và ngành công nghiệp Nhật Bản có ý định trở thành đối tác hàng đầu với các nước đang phát triển ở châu Á trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo một báo cáo từ BloombergNEF, cách rẻ nhất để Nhật Bản đáp ứng mục tiêu giảm phát thải vào năm 2030 và không phát thải ròng vào năm 2050 là sử dụng các công nghệ sạch như điện gió và điện mặt trời cũng như xe điện. Nhật Bản cần 489,3 tỷ USD đầu tư vào lưới điện từ năm 2022 đến năm 2050 để tích hợp đầy đủ điện gió, điện mặt trời và pin nhằm khử carbon cho lĩnh vực sản xuất điện.