Thúc đẩy hợp tác
Theo Kyodo, trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm ngày 24-12 ở Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và những người đồng cấp từ Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, cũng khẳng định họ vẫn cam kết tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như cấm đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, các hoạt động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, các bên nhất trí đảm bảo chuỗi cung ứng liên quan đến thực phẩm, năng lượng và hậu cần, đồng thời thúc đẩy hợp tác tập trung vào các dự án xã hội, đầu tư vào con người… giúp thúc đẩy nền kinh tế quốc gia và chất lượng tăng trưởng…
Theo Hãng tin NHK, các bộ trưởng đã thảo luận về việc vận chuyển nguồn cung cấp năng lượng qua Biển Caspian từ Trung Á như một giải pháp thay thế cho các tuyến đường hiện có, do sự gián đoạn vì cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine gây ra. Các ngoại trưởng của 6 nước cũng cam kết giải quyết các thách thức về an ninh kinh tế như “gây áp lực kinh tế”.
Các bên nhất trí giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Ảnh: NHK |
Bộ Ngoại giao Kazakhstan cho biết, nước này ủng hộ việc tăng cường đầu tư và hợp tác thương mại giữa Nhật Bản và các nước Trung Á để giảm thiểu hậu quả tiêu cực của các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế của các nước trong khu vực.
Phái đoàn Kazakhstan đã đưa ra một số đề xuất về xây dựng kế hoạch hành động chung nhằm cải thiện cơ chế hợp tác, điều phối cũng như các dự án đầu tư. Ông Tileuberdi cũng đã tổ chức các cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi để thảo luận về triển vọng các mối quan hệ song phương và khu vực cũng như các vấn đề có ý nghĩa toàn cầu.
Tất yếu cho sự xuất hiện nhân tố mới
Có thể nói, với vai trò quan trọng về địa chính trị và giàu tài nguyên, Trung Á đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” không chỉ Nga, Mỹ, mà cả Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Á khác cũng thèm muốn. Trung Quốc từ lâu nay đã chiếu cố Trung Á, mắt xích không thể thiếu trên con đường Tây tiến của kế hoạch “Một Vành đai Một Con đường”, nơi các đoàn tàu trong con đường tơ lụa mới của Trung Quốc đi qua.
Cùng với các khoản vay khổng lồ dưới hình thức hỗ trợ kinh tế, Bắc Kinh cũng đã xây tuyến đường ống dẫn dầu Kazakhstan-Trung Quốc và đường ống dẫn khí Turkmenistan - Uzbekistan- Kazakhstan - Trung Quốc.
Trong bối cảnh sức mạnh kinh tế của Nga ở Trung Á đang bị xói mòn do các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow và những thách thức do cuộc xung đột ở Ukraine, các nhà lãnh đạo Trung Á đã tìm cách thu hút các đối tác mới và làm sâu sắc hơn quan hệ với các cường quốc khác. Hay nói cách khác, những biến động xô lệch này đã đưa đến sự xuất hiện của những tay chơi mới, những tham vọng mới.
Trong một nỗ lực rõ ràng nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc - quốc gia tiếp tục đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong khu vực thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Nhật Bản đã tích cực phát triển quan hệ song phương với các nước Trung Á. Theo thông báo sau cuộc họp giữa Nhật Bản và 5 quốc gia Trung Á, Kazakhstan sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch của cơ chế đối thoại giữa Nhật Bản-Trung Á vào năm 2023 và tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng tiếp theo trong khuôn khổ cơ chế này.