Vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an ninh và ổn định
Thỏa thuận hợp tác quốc phòng mang tên “Tiếp cận đối ứng” (RAA) giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JFDS) và Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF), đồng thời giảm bớt các hạn chế trong việc vận chuyển vũ khí và vật tư cho các hoạt động huấn luyện chung và cứu trợ thảm họa. Thủ tướng Kishida cho biết: “Đây là thỏa thuận mang tính bước ngoặt, đưa hợp tác an ninh Nhật Bản - Australia lên một tầm cao mới”. Trong khi đó, Thủ tướng Morrison khẳng định: “Thỏa thuận này sẽ là một tuyên bố về cam kết của hai quốc gia để cùng nhau giải quyết những thách thức an ninh chiến lược chung mà chúng ta phải đối mặt và đóng góp cho một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an ninh và ổn định”.
Trong RAA, Tokyo và Canberra nhất trí mỗi quốc gia sẽ giữ quyền tài phán khi điều quân tham gia các nhiệm vụ chung, nhưng nước chủ nhà sẽ có quyền tài phán nếu các binh sĩ phạm tội khi không thi hành công vụ. Ngoài ra, hai nước cũng nhất trí thành lập một ủy ban chung để thảo luận chi tiết về cách thức thực hiện thỏa thuận, chẳng hạn như dẫn độ những đối tượng phạm tội.
Australia là quốc gia thứ hai mà Nhật Bản ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng, sau Mỹ. Nhật Bản cũng đang có kế hoạch đạt được một thỏa thuận tương tự với Anh và Pháp. Tokyo và London đã khởi động các cuộc đàm phán vào tháng 10-2021, trong khi các cuộc đàm phán không chính thức với Paris đã được tiến hành trong tháng 12-2021. Cuối tháng 12-2021, Chính phủ Nhật Bản công bố ngân sách năm tài khóa tiếp theo, bắt đầu từ tháng 4-2022, với tổng ngân sách được đề xuất lên quốc hội là 107.600 tỷ yen (940 tỷ USD). Trong số này, ngân sách chi cho quốc phòng được đề xuất ở mức 5.400 tỷ yen (47,2 tỷ USD), cao hơn so với kỷ lục 5.340 tỷ yen hồi năm 2021. Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định, tình hình an ninh khu vực “đang trở nên ngày càng nghiêm trọng với tốc độ chưa từng thấy”.
Dư luận đánh giá tích cực
Ali Wyne, nhà phân tích thuộc Tổ chức Eurasia Group, cho rằng, RAA sẽ giúp Tokyo và Canberra cải thiện khả năng tiến hành các đợt diễn tập chung với Washington tại Nhật Bản, đồng thời gia tăng sức mạnh của nhóm Bộ tứ gồm Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ. Còn Đài truyền hình ABC Australia dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: “RAA không được nhắm mục tiêu hoặc làm tổn hại đến bất kỳ lợi ích nào của bên thứ ba. Thái Bình Dương đủ lớn cho sự phát triển chung của các nước trong khu vực. Hòa bình và ổn định ở Thái Bình Dương phụ thuộc vào nỗ lực chung của các nước trong khu vực”.
Theo Sky News, ông Malcom Davis, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Australia, nhận định: “Nhật Bản đang thoát khỏi những ràng buộc trong hiến pháp thời hậu chiến đối với việc sử dụng quân đội vì Tokyo nhận ra những thách thức mà họ đang phải đối mặt”. Đại sứ Nhật Bản tại Australia Shingo Yamagami cho rằng RAA sẽ có lợi cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì làm tăng khả năng răn đe ở khu vực này. Theo ông Yamagami, “việc tăng cường liên hệ, hợp tác chặt chẽ giữa Canberra và Tokyo là điều tốt cho khu vực”. Ông Yamagami cũng đánh giá Australia và Nhật Bản là hai quốc gia đi đầu trong việc hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Giám đốc Viện Chính sách chiến lược Australia Peter Jennings cho biết, ông kỳ vọng RAA sẽ mở đường cho các khí tài của Nhật Bản và Australia được triển khai trên không phận, lãnh thổ và lãnh hải của nhau.