Trong ngắn hạn, chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là mối nguy hiểm lớn đối với an ninh của Nhật Bản và việc các cuộc đàm phán Mỹ - Triều không đạt được tiến triển là điều bất lợi cho an ninh của nước này, vì Tokyo chưa thành công trong việc dàn xếp các cuộc đàm phán cấp cao với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, trong dài hạn, việc quan hệ đối tác chiến lược Trung - Nga đạt tới cấp độ liên minh sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với triển vọng chiến lược của Nhật Bản. Để ngăn chặn điều này, Tokyo có thể tiếp tục tìm cách cải thiện quan hệ với Moscow nhưng sẽ không đạt được tiến bộ vì tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Kuril - Vùng lãnh thổ phương Bắc sẽ cản trở bất kỳ triển vọng nào trong việc nối lại quan hệ chiến lược Nga - Nhật. Với Hàn Quốc, vẫn tồn tại một câu hỏi then chốt trong việc đánh giá sự hợp tác quân sự giữa Tokyo và Seoul. Tại thời điểm này thì vẫn còn phải chờ xem, nhưng hiện tại, nhiều người vẫn mơ hồ về triển vọng giảm căng thẳng trong tương lai gần.
Nhưng, ngoài các yếu tố kể trên, đáng chú ý là Sách Trắng Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản năm nay xác định Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược đối với Tokyo trước cả Triều Tiên.
Intpolicydigest cho rằng điều này không bất ngờ. Bản chất mối quan hệ Trung - Nhật không phải lúc nào cũng mang tính hợp tác và chứa đựng một số yếu tố cạnh tranh. Trong vài thập niên qua, những tiến triển về cải tổ quân sự thần tốc có khả năng gây ra những quan ngại về an ninh ở Tokyo, khi những tranh chấp ở quần đảo Senkaku - Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa được giải quyết. Tranh chấp này được Tướng Koji Yamazaki thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản mô tả là mối đe dọa trực tiếp nhất mà Nhật Bản phải đối mặt. Việc Trung Quốc tăng cường hoạt động giám sát ở các lãnh hải là nhằm thay đổi nguyên trạng Nhật Bản quản lý các hòn đảo, và việc Trung Quốc làm leo thang tình hình được Sách Trắng mô tả là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Cả chính phủ của cựu Tổng thống Obama và của Tổng thống Donald Trump đều nói rõ rằng an ninh của các đảo này cũng là đối tượng của liên minh an ninh Mỹ - Nhật, một điều dù trấn an Nhật Bản nhưng sẽ khiến tranh chấp Trung - Nhật mở rộng thành một cuộc xung đột nước lớn nếu có leo thang. Nhật Bản cũng gắn sáng kiến Vành đai và Con đường với năng lực tác chiến trong tương lai của Hải quân Trung Quốc ở cả Thái Bình Dương lẫn Ấn Độ Dương thông qua việc đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng chiến lược ở các quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi, châu Âu và Mỹ Latinh.
Thời gian gần đây, Thủ tướng Shinzo Abe thường xuyên tới thăm Nga để thảo luận về mối quan hệ song phương giữa 2 nước và đã thành công ở mức độ nào đó trong việc phát triển mối quan hệ cá nhân cũng như ở cấp làm việc với Tổng thống Vladimir Putin. Hai nước đã từng bước đạt được những tiến bộ trong thương mại song phương, với mức tăng gần 20% trong năm 2018. Mặc dù không được nhắc tới trong các văn kiện chiến lược của Nhật Bản, nhưng một khi vấn đề lãnh thổ được giải quyết, một số nhân vật ở Tokyo hy vọng rằng quan hệ Nga - Nhật được cải thiện có thể đóng vai trò là đối trọng hiệu quả với một Trung Quốc đang trỗi dậy.