Tại miền Trung Nhật Bản, các nhà máy sản xuất tương miso và nước tương đậu nành - những nguyên liệu không thể thiếu trong ẩm thực Nhật - đang trở thành điểm đến được yêu thích. Du khách có thể tham gia các tour tham quan nhà máy, nơi tái hiện quy trình sản xuất thủ công hàng trăm năm tuổi.
Một trong những điểm đến nổi bật là Nhà máy Hatcho Maruya tại Okazaki (tỉnh Aichi), nơi vẫn giữ nguyên phương pháp sản xuất từ năm 1337. Tại đây, đậu nành, muối và nước được ủ 2 năm trong các thùng gỗ lớn, niêm phong bằng những khối đá nặng. Không chỉ thu hút khách nội địa, nhà máy này còn đón tiếp du khách từ nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ông Nobutaro Asai, Chủ tịch Nhà máy Hatcho Maruya, chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn truyền tải tinh hoa văn hóa Nhật Bản từ xưởng sản xuất nhỏ bé của mình".
Ngoài điểm đến là các nhà máy, du lịch ẩm thực truyền thống Nhật Bản còn đưa du khách đến những nhà hàng truyền thống ryotei cao cấp - nơi nổi tiếng với văn hóa ẩm thực tinh tế, không gian riêng tư và trải nghiệm văn hóa độc đáo. Tại đây, du khách có thể thưởng thức các món truyền thống như narezushi - loại sushi được làm từ cơm và cá lên men.
Kawaramachi Izumiya, một nhà hàng ryotei ở thành phố Gifu, miền Trung Nhật Bản, thu hút lượng lớn du khách nước ngoài mỗi tuần. Zenhichi Izumi, chủ nhà hàng Kawaramachi Izumiya, cho biết đã chế biến thêm các món ăn mới được thực khách nước ngoài ưa chuộng như narezushi có cá hương (ayu) với trứng cá hay mì ramen có nước sốt vị cá hương. “Mong muốn của tôi là giúp các thực khách có thể trải nghiệm hương vị đặc trưng của vùng đất mà họ ghé qua”, Izumi nói.
Theo Giáo sư Masashi Kato của Đại học Meijo, khu vực Tokai là cái nôi của thực phẩm lên men nhờ khí hậu ấm áp, ẩm ướt cùng nguồn gạo và đậu nành phong phú. Tokugawa Ieyasu - vị Shogun (tướng quân) đầu tiên của Nhật Bản - là người rất ưa chuộng tương miso Hatcho nhờ giá trị dinh dưỡng cao. Điều này được cho là một trong những yếu tố giúp ông sống thọ đến 75 tuổi, vượt xa tuổi thọ trung bình thời đó.
Tháng 8-2024, Nhật Bản đã thành lập ủy ban đặc biệt để thúc đẩy hình thức du lịch này. Dự kiến, các tour quy mô lớn hơn sẽ chính thức ra mắt vào tháng 5 tới, đón tiếp cả du khách trong nước lẫn quốc tế. Ông Hiroshi Sakakibara, Giám đốc điều hành ủy ban trên, chia sẻ: "Chúng tôi muốn cung cấp các tour du lịch nơi du khách có thể cảm nhận truyền thống Nhật Bản bằng cả 5 giác quan". Bên cạnh đó, các kế hoạch đào tạo hướng dẫn viên am hiểu về quy trình sản xuất truyền thống cũng đang được triển khai, với mục tiêu kết nối người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần bảo tồn văn hóa địa phương.