Chính phủ Nhật Bản hôm 22-12 đã thông qua chỉ thị thúc đẩy năng lượng hạt nhân để duy trì nguồn cung cấp điện đồng thời giảm lượng khí thải CO2. Chính sách mới là một bước ngoặt lớn sau khi nước này đóng cửa các cơ sở hạt nhân kể từ thảm họa rò rỉ phóng xạ tại nhà máy Fukushima do động đất và sóng thần năm 2011.
Theo chỉ thị, các lò phản ứng hạt nhân hiện có ở Nhật Bản sẽ được kéo dài tuổi thọ vượt quá giới hạn 60 năm trước đây và về lâu dài, các lò phản ứng thế hệ tiếp theo sẽ được xây dựng để thay thế các lò phản ứng cũ. Cụ thể, các nhà máy điện hạt nhân hiện nay có thể hoạt động thêm 20 năm nữa nếu các biện pháp an toàn nghiêm ngặt được tuân thủ. Sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào tháng 3-2011, Nhật Bản đã đóng cửa tất cả các lò phản ứng và đưa ra các tiêu chuẩn an toàn mới. Kể từ đó, các nhà điều hành của 27 lò phản ứng hạt nhân đã nộp đơn xin phép khởi động lại. 17 lò đáp ứng các yêu cầu an toàn, nhưng chỉ có 10 trong số này đã được hoạt động lại vì Nhật Bản muốn loại bỏ năng lượng hạt nhân vào năm 2030.
Theo chính sách mới, quốc gia này sẽ khởi động lại càng nhiều lò phản ứng càng tốt. Theo Hãng tin AP, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gần đây nói: “Chúng ta phải tận dụng triệt để điện hạt nhân”. Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới, trong thập niên trước sự cố Fukushima, Nhật Bản đã đạt hơn 40 gigawatt điện từ các nhà máy hạt nhân. Sau một thập niên từ bỏ chương trình hạt nhân, công suất này đã giảm xuống còn 18 gigawatt vào năm 2021. Khoảng trống do năng lượng hạt nhân để lại đã được lấp đầy bằng khí đốt và than đá. Vào thời kỳ đỉnh cao, năng lượng hạt nhân chiếm 30% tổng sản lượng điện năng của Nhật Bản. Con số này đã giảm xuống chỉ còn dưới 7% vào năm 2021. Chiến lược được công bố hôm 22-12 là một phần trong kế hoạch của Nhật Bản nhằm đưa năng lượng hạt nhân chiếm từ 20-22% trong tổng sản lượng điện vào năm 2030. Chính sách mới phản ánh mục tiêu kép của đất nước là giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu khí và tránh tình trạng thiếu điện đồng thời đạt được mục tiêu khí hậu là giảm lượng khí thải CO2 bằng 0 vào năm 2050.
Theo Ban cố vấn Chính phủ Nhật Bản, nước này có nguy cơ xảy ra khủng hoảng năng lượng lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Lộ trình của Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân sẽ góp phần đảm bảo an ninh và giúp đất nước đạt được cả mục tiêu không phát thải ròng và cung cấp điện ổn định. Theo Financial Times, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch đầu tư hơn 150.000 tỷ yen (1,1 ngàn tỷ USD) cùng với khu vực tư nhân trong thập niên tới để đạt được mục tiêu này. Trong số tiền đó, 20.000 tỷ yen huy động từ trái phiếu mới để thu hút đầu tư tư nhân.
Theo Giáo sư Takeo Kikkawa, Đại học Quốc tế Nhật Bản, thành viên Hội đồng Năng lượng của chính phủ, để đạt được trung hòa về carbon vào năm 2050, đây là cơ hội cuối cùng để Nhật Bản trở lại với chính sách sử dụng điện hạt nhân. Chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị đệ trình Quốc hội trong phiên họp sắp tới thông qua kế hoạch phát triển điện hạt nhân. Một cuộc khảo sát của Báo Yomiuri vào tháng 8 cho thấy, 58% số người được hỏi ủng hộ việc khởi động lại các lò phản ứng không hoạt động.